Nhóm công nghiệp chế biến và nông thủy sản cùng khởi sắc ngay tháng đầu năm

Với sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu, trong tháng đầu tiên của năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực ghi nhận tăng trưởng ngay tháng đầu năm 2024. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước đều tăng mạnh, trong đó nhiều mặt hàng chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến và nông thủy sản đều ghi nhận những kết quả tích cực.

Xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9/2022

Theo đại diện Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2024 tăng tới 42%.

Thống kê cho thấy khu vực kinh tế trong nước tăng 62,6% còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 35,6%. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Trong tháng đầu tiên của năm 2024, cả nước có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; giầy dép các loại; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Điện thoại các loại và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; Phương tiện vận tải và phụ tùng.

Đáng chú ý, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm nông lâm thủy sản (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%).

Cụ thể hơn, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 1/2024 chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 28,52 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước.

Đà tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện (kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đầu tiên của năm 2024 ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 56,3% so với tháng trước do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1/2024).

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng 4,6% so với tháng trước, ước đạt 1,4 tỷ USD. Tương tự, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,8%, ước đạt 1,3 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 8,1%, ước đạt 900 triệu USD.

“Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng hai đến ba con số như: hàng dệt may tăng 28,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 74,6%; giầy dép các loại tăng 35%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 57,4%...,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Tuy nhiên, một số mặt hàng có phần chững lại hoặc giảm so với tháng trước, đơn cử như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 12,1%, ước đạt 5 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 0,7%, ước đạt 3,8 tỷ USD; hàng dệt may giữ nguyên ở mức 2,9 tỷ USD; giày dép giảm 0,4%, ước đạt 1,85 tỷ USD…

Doanh nghiệp dệt may, da giày tận dụng các cơ hội thị trường để thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong tháng 1/2024, nhóm hàng nông, thủy sản tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước với kim ngạch ước đạt 3,33 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao, gồm: sắn và sản phẩm sắn tăng tới 93,4%, ước đạt 274 triệu USD; tiếp đến là rau quả tăng 24,9%, ước đạt 510 triệu USD; hạt điều và chè tăng trên 10%; cà phê, gạo, hạt tiêu tăng nhẹ từ 2 - 3,5% so với tháng trước.

“Nguyên nhân chủ yếu là do lợi thế về giá các mặt hàng nông sản trong tháng 1/2024 khi giá tiếp tục tăng,” đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm.

Ngoài ra, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 279 triệu USD trong tháng đầu tiên của năm 2024, giảm mạnh 40% so với tháng trước. Các mặt hàng chủ lực trong nhóm này như dầu thô, xăng dầu giảm lần lượt là 12,2% và 51,9%.

Nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa tới các thị trường xuất khẩu lớn đều phục hồi tốt trong tháng đầu năm 2024, trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2024 với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 12/2023 và tăng tới 55,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chính khác ước tính cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: Trung Quốc tăng 57,8%, ước đạt 6,1 tỷ USD; EU tăng 17,9%, ước đạt 3,9 tỷ USD; ASEAN tăng 38,5%, ước đạt 3,04 tỷ USD; Nhật Bản ước tăng 39,6%; Hàn Quốc ước tăng 22,4%; EU ước tăng 18%...

Đẩy mạnh các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 28,84 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Như vậy, trong tháng đầu tiên của năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD. Một số thị trường có thặng dư thương mại cao như, xuất siêu sang thị trường Mỹ ước tính đạt 8,2 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu sang EU ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 10,6%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 200 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 138 triệu USD)…

Sản xuất Xanh là cơ hội để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để tạo đà cho các tháng tiếp theo, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm công nghiệp để sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới.

Ngoài ra, trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực Biển đỏ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó Bộ Công Thương đã đề nghị các hãng tàu duy trì tuyến, nhanh chóng đưa container rỗng về, thực hiện đúng quy định về giá cước, phụ phí, đồng thời nghiên cứu, xem xét thêm phương thức vận tải đa phương thức kết hợp với đường sắt, đường biển và đường hàng không…

Đối với Hiệp hội doanh nghiệp vụ logistics, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị phối hợp với các doanh nghiệp, hãng tàu cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước để giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có những thuận lợi lớn nhất trong việc đảm bảo hoạt động thương mại quốc tế./.