Dầu "hụt hơi," vàng đi ngang, cổ phiếu biến động nhẹ trước khi Fed ra quyết sách
Phiên 18/9 trên thị trường châu Á, giá dầu quay đầu giảm sau hai phiên tăng trước đó, trong khi giá vàng đi ngang, còn chứng khoán biến động nhẹ trước khi Fed ra quyết sách về lãi suất.
Phiên giao dịch ngày 18/9 trên thị trường châu Á, giá dầu quay đầu giảm, giá vàng ít biến động, còn chứng khoán biến động nhẹ khi các nhà giao dịch cố gắng xác định mức độ cắt giảm lãi suất của Fed.
Giá dầu quay đầu giảm
Giá dầu tại thị trường châu Á giảm trong phiên giao dịch ngày 18/9, sau hai phiên tăng trước đó, do dữ liệu kinh tế vĩ mô yếu gây áp lực lên nhu cầu tiêu thụ, lấn át khả năng gián đoạn nguồn cung bởi xung đột ở Trung Đông và tác động tiềm tàng của việc cắt giảm lãi suất ở Mỹ.
Cuối phiên này, tại thị trường Tokyo, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 11/2024 giảm 49 xu Mỹ, tương đương 0,7%, xuống mức 73,21 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 10/2024 giảm 50 xu Mỹ xuống 70,69 USD/thùng.
Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ cho biết: “Dữ liệu kinh tế vĩ mô yếu đang làm sâu sắc thêm mối lo ngại về nhu cầu dầu. Các nhà quản lý quỹ đã chuyển sang trạng thái tiêu cực lần đầu tiên kể từ năm 2011. Việc kết thúc giai đoạn nhu cầu cao điểm mùa Hè cũng đang tác động đến tâm lý thị trường.”
Đà giảm giá dầu được kiềm chế bởi nguy cơ bạo lực gia tăng ở khu vực sản xuất dầu mỏ lớn tại Trung Đông, có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.
Nhà phân tích Mitsuru Muraishi tại công ty dịch vụ tài chính Fujitomi Securities cho biết: “Các nhà đầu tư đang tập trung vào khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), điều có thể phục hồi nhu cầu nhiên liệu của Mỹ và làm suy yếu đồng USD.”
Thị trường được hỗ trợ thêm từ kỳ vọng Mỹ mua dầu cho Kho Dự trữ dầu khí chiến lược (SPR).
Giá vàng đi ngang trước khi Fed đưa ra quyết sách
Giá vàng ít biến động tại thị trường châu Á trong phiên giao dịch ngày 18/9, khi các nhà đầu tư cân nhắc khả năng Fed sẽ đưa ra một đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay vào cuối ngày.
Cụ thể, chiều phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay gần như không đổi, ở mức 2.567,13 USD/ounce.
Trước đó, vào phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 16/9), giá vàng này đã đạt mức cao kỷ lục 2.589,59 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1%, lên mức 2.593,60 USD/ounce.
Fed dự kiến sẽ công bố đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn bốn năm vào lúc 18h GMT ngày 18/9 (1h sáng ngày 19/9 giờ Việt Nam).
Chủ tịch Jerome Powell sẽ tổ chức họp báo ngay sau đó. Theo công cụ CME FedWatch, thị trường đang dự báo 65% khả năng Fed sẽ cắt giảm 0,5 điểm phần trăm, tăng từ mức 34% vào tuần trước.
Ông Matt Simpson, nhà phân tích cao cấp tại công ty tài chính City Index, nhận định: “Có rủi ro thực sự rằng kỳ vọng của thị trường đang quá lạc quan về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Nếu điều đó không xảy ra, lợi suất trái phiếu và đồng USD có thể tăng mạnh, gây áp lực lên giá vàng."
Ông Simpson nói thêm nếu Fed chỉ giảm 0,25 điểm phần trăm và định hướng kỳ vọng về một đợt cắt giảm tương tự trong tương lai, giá vàng có thể giảm xuống dưới mức 2.570 USD/ounce.
Vàng, vốn là tài sản không sinh lời, thường là lựa chọn đầu tư ưa thích trong môi trường lãi suất thấp và khi có xung đột địa chính trị.
Kim ngạch nhập khẩu vàng vật chất của Ấn Độ trong tháng Tám tăng mạnh, đạt 10,06 tỷ USD, so với mức 3,13 tỷ USD vào tháng Bảy.
Trong khi đó, dữ liệu công bố vào ngày 17/9 cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ bất ngờ tăng 0,1% trong tháng 8/2024, chứng tỏ nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn giữ được sự ổn định trong suốt phần lớn quý 3 năm 2024.
Tại Trung Đông, lực lượng Hezbollah đã cam kết sẽ có hành động đáp trả sau các vụ nổ tại Lebanon vào ngày 17/9, khiến chín người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương.
Tại thị trường Việt Nam, tại thời điểm 16h35, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 80 triệu đồng-82,02 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Chứng khoán châu Á biến động nhẹ
Thị trường châu Á biến động nhẹ vào phiên 18/9, khi các nhà giao dịch cố gắng xác định mức độ cắt giảm lãi suất của Fed, dự kiến được công bố vào cuối ngày (giờ địa phương), trong khi đồng USD duy trì đà tăng so với đồng yen Nhật Bản.
Fed được nhiều người dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch trong cuộc họp tuần này.
Câu hỏi lớn là liệu các quan chức ngân hàng này có mạnh tay cắt giảm lãi suất trước khi thực hiện một loạt đợt cắt giảm quy mô nhỏ hơn vào năm tới hay không.
Triển vọng về các điều kiện tài chính dễ dàng hơn đã giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán trong năm nay, với một số chỉ số chính đạt các mức cao kỷ lục, nhưng các nhà quan sát cảnh báo rằng với việc giá cả tăng cao và chu kỳ cắt giảm lãi suất kéo dài, thị trường cổ phiếu có thể rơi vào một thời kỳ biến động.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 kết thúc phiên tăng 176,95 điểm, tương đương 0,49%, lên mức 36.380,17 điểm, dẫn đầu nhờ hoạt động mua vào của các nhà xuất khẩu do đồng yen suy yếu.
Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế trong bối cảnh các nhà đầu tư thận trọng trước quyết định cắt giảm lãi suất của Fed.
Thị trường chứng khoán Đài Bắc của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Jakarta của Indonesia, Wellington của New Zealand, Manila của Philippines và Sydney của Australia đều đi ngang; trong khi thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) và Seoul của Hàn Quốc đều đóng cửa nghỉ lễ.
Tại thị trường Thượng Hải của Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng điểm sau khi các nhà đầu tư quay trở lại sau bốn ngày nghỉ lễ từ cuối tuần trước. Khép phiên, chỉ số này tăng 0,5%, lên 2.717,28 điểm.
Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch 18/9, VN-Index tăng 5,95 điểm lên 1.264,9 điểm. HNX-Index tăng 0,65 điểm lên 232,95 điểm. UPCOM-Index tăng 0,35 điểm lên 93,47 điểm./.