Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Nhiều dư địa làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-Pháp
Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Pháp đã có sự tích lũy cả về lượng và chất, đang chứng kiến những phát triển mới cả về chiều rộng và chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.
Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cộng hòa Pháp trong các ngày 4-7/10, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng về quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Thưa Đại sứ, Việt Nam và Pháp mới kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược, liệu chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sắp tới liệu sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ giữa hai nước?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 11 năm quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam-Pháp đã có sự tích lũy cả về lượng và chất, đang chứng kiến những phát triển mới cả về chiều rộng và chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Cộng hòa Pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là lần đầu tiên sau 22 năm một nguyên thủ quốc gia Việt Nam đến thăm Pháp.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Pháp trải dài trong 4 ngày là sự kết hợp giữa cả hoạt động đa phương, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và các hoạt động song phương, thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Chương trình thăm song phương Pháp là sự thể hiện sự coi trọng vị trí của Pháp và qua Pháp là châu Âu trong định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam, cũng như đối với sự phát triển của quan hệ hai nước.
Chuyến thăm sẽ truyền tải mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam độc lập, tự chủ, chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, coi trọng củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước lớn, các nước đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, trong đó có Pháp, Liên minh châu Âu (EU), châu Âu, đồng thời khẳng định sự coi trọng và cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế.
Không chỉ góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc, các hoạt động thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cộng hòa Pháp là dấu mốc quan trọng, sẽ tạo thêm khuôn khổ, động lực và mở ra giai đoạn mới để nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp lên một tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
- Theo Đại sứ, đâu là những thế mạnh và lĩnh vực cần thúc đẩy trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Quan hệ Việt Nam-Pháp là quan hệ hữu nghị truyền thống, dù trải qua những thăng trầm, tiếp tục phát triển sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với nhiều mối liên hệ về lịch sử và những điểm tương đồng về văn hóa.
Hiện nay, hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Pháp là nước có vị thế và uy tín chính trị cao trên thế giới, có nền kinh tế phát triển, có vai trò quan trọng hàng đầu ở châu Âu, EU và đang tích cực phát huy vai trò toàn cầu, là thành viên sáng lập và chủ chốt của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng…, có lợi ích và ảnh hưởng quan trọng ở châu Á.
Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động về đối ngoại và hội nhập, có vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Hai nước coi trọng và đánh giá cao vai trò đối tác của nhau trong trong quan hệ giữa hai châu lục, hai khu vực và giữa ASEAN với EU, chia sẻ nhiều quan tâm chung về thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, những giá trị chung như chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc.
Trao đổi, giao lưu giữa hai nước trong các lĩnh vực, ở các cấp độ, quy mô khác nhau luôn sôi nổi và được duy trì ở các hình thức khác nhau trong bối cảnh mới.
Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đông đảo, lâu đời, có truyền thống yêu nước, có thế mạnh về tri thức, có vị trí trong xã hội Pháp, là nguồn lực và vốn quý làm cầu nối cho hai nước, đóng góp cho việc tăng cường hiểu biết và giao lưu.
Trong các tiếp xúc gần đây, lãnh đạo cấp cao hai nước đã khẳng định nhận thức chung về một tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp trên cơ sở các trụ cột hợp tác đã được xác định và tiếp tục được đổi mới, tăng cường.
Nhiều điểm nhấn quan trọng cụ thể đã được định hình trong việc tăng cường tin cậy chính trị và giao lưu nhân dân; thúc đẩy hợp tác, tạo chuyển biến về cả chất và lượng trong các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, hàng không, chuyển đổi năng lượng, khoa học-công nghệ, văn hóa, kỹ thuật...
Trong bối cảnh các chuyển động địa chính trị và kinh tế toàn cầu, khu vực đã và đang tác động không nhỏ không chỉ đến quốc tế mà còn đến cả Việt Nam và Pháp, đòi hỏi cả hai bên tăng cường sự năng động trong đối ngoại và hội nhập, phối hợp cùng nhau để có thể tạo ra những chiến lược thích ứng phù hợp, nhằm chia sẻ lợi ích và phục vụ các mục tiêu đối ngoại và phát triển của cả hai nước.
Các cơ quan, bộ, ban, ngành và các đối tác hai bên cần nỗ lực, nhanh chóng đề ra các biện pháp để có những hướng đi cụ thể trong lĩnh vực của mình, đáp ứng được các yêu cầu mới của cả Việt Nam và Pháp đang đặt ra ngày càng khẩn trương hơn và đa dạng hơn.
- Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để nâng mối quan hệ này lên tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Việt Nam và Pháp đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng tầm hợp tác song phương cả về lượng và chất, nhất là khi cả hai đều đang đứng trước những đòi hỏi lớn lao về phát triển đất nước cũng như cùng đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hoà bình, hợp tác và phát triển.
Quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo hai nước, sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, sự tham gia tích cực của các đối tác trên mọi lĩnh vực sẽ tạo động lực mới để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Mối quan hệ đó sẽ giúp cho cả Việt Nam và Pháp tiếp tục xây dựng sức mạnh và chỗ đứng của mình trong một thế giới đang có nhiều biến động và rất cần các mối hợp tác tăng cường để cùng ứng phó với các thách thức chung về phát triển, an ninh và ổn định.
Để quan hệ phát triển mạnh mẽ hơn, tôi cho rằng Việt Nam và Pháp cần phối hợp hiệu quả, toàn diện hơn nữa, từ hợp tác kinh tế, an ninh-quốc phòng, thương mại, đầu tư, đến khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, văn hóa và giao lưu nhân dân.
Trong tất cả các lĩnh vực đều có những tiềm năng cần đánh thức, cần khai thác, cần phát huy hơn nữa. Mỗi bên cần xác định rõ nhu cầu và thế mạnh của mình để có được những mối hợp tác thiết thực thể hiện được tinh thần đối tác và cùng có lợi.
Tôi rất lạc quan và tin rằng với những khuôn khổ hợp tác và xung lực mới mà lãnh đạo hai nước sẽ tạo dựng nhân chuyến thăm chính thức sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai nước sẽ có thêm nhiều điều kiện và dư địa để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực và các kênh.
- Xin trân trọng cám ơn Đại sứ./.