Đại hội đồng LHQ họp phiên đặc biệt nhân 1 năm xung đột Nga-Ukraine
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ nhấn mạnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đã cướp đi sinh mạng và cuộc sống của quá nhiều người, đồng thời khẳng định các giải pháp quân sự sẽ không thể chấm dứt được xung đột.
Sáng 23/2 (theo giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên hợp quốc (khóa 77 đã nhóm họp phiên đặc biệt nhân sự kiện tròn 1 năm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Phiên họp dự kiến kéo dài hai ngày và sẽ dành thời gian thảo luận, bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết mới hướng tới mục tiêu chấm dứt xung đột và lập lại hòa bình trong khu vực.
Phát biểu khai mạc phiên họp khẩn cấp, Chủ tịch Đại hội đồng khóa 77 Csaba Kőrösi nêu rõ trong vòng 1 năm qua, Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc và toàn thể cộng đồng quốc tế đã thống nhất và nhiều lần kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột; kêu gọi tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Theo ông Csaba Kőrösi, “cuộc xung đột này đã cướp đi sinh mạng, kế sinh nhai và cuộc sống của quá nhiều người. Nhìn lại 1 năm như một lời nhắc nhở rằng các giải pháp quân sự sẽ không thể chấm dứt được xung đột.”
Về phần mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh “hòa bình thực sự và lâu dài cần phải đặt trên nền tảng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Xung đột càng kéo dài thì khó khăn càng nhiều.”
Người đứng đầu Liên hợp quốc hối thúc các bên liên quan, cộng đồng quốc tế tuân thủ các giá trị, nguyên tắc và mục tiêu của Hiến chương Liên hợp quốc.
[Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc: Hội đồng Bảo an đang bị tê liệt]
Ông Guterres đồng thời kêu gọi các nước thành viên ủng hộ sáng kiến mới đây của Liên hợp quốc dành một gói hỗ trợ nhân đạo trị giá 5,6 tỷ USD giúp người dân Ukraine.
Theo kế hoạch, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu về bản dự thảo nghị quyết do 60 nước bảo trợ vào cuối phiên họp đặc biệt.
Bản dự thảo nghị quyết gửi tới các nước thành viên tham dự phiên họp nhấn mạnh tới “sự cần thiết phải đạt được càng sớm càng tốt một nền hòa bình lâu dài, công bằng và toàn diện ở Ukraine, phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.”
Giống các nghị quyết trước đây của Liên hợp quốc, bản nghị quyết mới tái khẳng định cam kết đối với “chủ quyền, độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, đồng thời kêu gọi các bên ngừng ngay lập tức mọi hành động thù địch./.