Cảnh sát Đức tiếp tục điều tra âm mưu đảo chính

Theo các cơ quan chức năng Đức, ước tính có hơn 100.000 người theo phong trào Reichsburger, trong đó có một số sẵn sàng dùng bạo lực để lật đổ chính quyền.

Cảnh sát Đức. (Nguồn: File)

Ngày 22/2, cảnh sát Đức đã đột kích 6 căn hộ và 3 địa điểm của một số nghi phạm là các phần tử cực hữu. Đây là một phần trong cuộc điều tra về âm mưu tấn công lưới điện quốc gia, nhằm dẫn đến một cuộc đảo chính cuối năm ngoái. Hơn 70 sĩ quan cảnh sát đã tham gia vào các cuộc truy quét.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, các cuộc truy quét là một phần trong chiến dịch điều tra 6 nghi phạm liên quan đến âm mưu lật đổ chính phủ, trong đó một số phần tử được cho là có liên hệ với phong trào Reichsburger, một tổ chức khủng bố cực hữu theo đuổi âm mưu lật đổ chính phủ Đức.

Theo các cơ quan chức năng, ước tính có hơn 100.000 người theo phong trào Reichsburger, trong đó có một số sẵn sàng dùng bạo lực để lật đổ chính quyền.

Văn phòng công tố Munich, trong một tuyên bố cho biết từ tháng 9/2020, các nghi phạm đã lên kế hoạch tấn công lưới điện quốc gia, qua đó lật đổ chính phủ liên bang và giành quyền kiểm soát đất nước bằng vũ lực.

Trước đó, ngày 7/12/2022, một lực lượng gồm khoảng 3.000 cảnh sát Đức đã triển khai đợt bố ráp quy mô lớn, trải rộng ở phạm vi 11 bang, để truy quét các thành viên của phong trào Reichsburger.

Văn phòng Tổng Công tố Liên bang Đức cho biết trong chiến dịch này, cảnh sát đã bắt giữ 25 phần tử thuộc Reichsburger - phong trào chống chính phủ theo tư tưởng cực hữu - bị tình nghi lên kế hoạch tấn công tòa nhà Quốc hội Đức, để từ đó khởi đầu cho làn sóng tấn công với ý đồ tạo dựng những điều kiện tương tự nội chiến ở Đức.

[Hà Lan và Đức phối hợp bắt giữ nhóm đối tượng kích nổ ATM]

Các nghi phạm bị cáo buộc thành lập một nhóm khủng bố vào thời điểm trước cuối tháng 11/2021, với mục tiêu “lật đổ” trật tự hiến pháp hiện hành ở Cộng hòa Liên bang Đức và thay thế bằng nhà nước mới dựa trên mô hình Đế quốc Đức năm 1871.

Theo Văn phòng Tổng Công tố Liên bang Đức, Reichsburger đã tuyển chọn các thành viên cho những vị trí bộ trưởng quan trọng trong chế độ mới, ngay khi giành được quyền lực.

Do số lượng lớn thành viên là những cựu binh sĩ xuất thân từ các lực lượng vũ trang Đức, trong đó có các lực lượng đặc nhiệm, nên Reichsburger bị coi là tổ chức đặc biệt nguy hiểm./.

Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)