Đại biểu Quốc hội mong Hải Phòng có thể trở thành một Singapore thứ hai

Các đại biểu Quốc hội tin tưởng việc tổ chức chính quyền đô thị sẽ là bước đột phá lớn, tạo ra cơ hội mới để Hải Phòng phát triển mạnh hơn nữa, tự chủ hơn, phát huy được vị trí địa lý của địa phương.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chiều 21/11, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

Các đại biểu tin tưởng việc tổ chức chính quyền đô thị sẽ là một bước đột phá lớn và tạo ra cơ hội mới để Hải Phòng phát triển mạnh hơn nữa, tự chủ hơn, phát huy được vị trí địa lý của địa phương, đồng thời cũng phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện được chủ trương như Tổng Bí thư chỉ đạo gần đây là địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Mong Hải Phòng có thể trở thành một Singapore thứ hai

"Nếu xu hướng đó phát triển, cũng rất mong Hải Phòng sẽ có thể trở thành một Singapore thứ hai của vùng Đông Nam Á này," chia sẻ nhận định trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết đây là một chủ trương rất đúng đắn và kịp thời.

Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn về mô hình chính quyền đô thị Hải Phòng được đề xuất là áp dụng một cấp, như mô hình chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, bởi hiện chưa có đánh giá về mô hình chính quyền đô thị một cấp của Thành phố Hồ Chí Minh và Hội đồng Nhân dân thành phố Thủ Đức phát huy tác dụng như thế nào.

"Thủ Đức có 1,3 triệu dân và có lẽ Thành phố Hồ Chí Minh cũng tạo tính tự chủ thêm cho thành phố Thủ Đức một cấp nữa, cho nên có thể thành phố Thủ Đức sẽ phát huy hiệu quả nhưng thành phố Thủy Nguyên chỉ có chưa đến 0,4 triệu dân, nếu chúng ta vẫn áp dụng chính quyền một cấp mà Hội đồng Nhân dân thành phố thuộc thành phố có Hội đồng Nhân dân thì lúc đó liệu có làm giảm tính năng động, tính tự chủ của cả thành phố Hải Phòng hay không," đại biểu đặt vấn đề.

Đại biểu Huân cũng cho rằng khoản 3 Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương có quy định về chính quyền cơ sở và tên gọi là thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Cách gọi này phức tạp, khó hiểu.

Ông kiến nghị nên xem xét đưa khái niệm siêu đô thị, ví dụ như siêu đô thị Hồ Chí Minh và siêu đô thị Hà Nội, vì hiện nay GDP của chúng ta chưa đến năm 500 tỷ USD nhưng nếu vẫn giữ nhịp phát triển khoảng 7%/năm tới năm 2035 thì con số này khoảng 1.000 tỷ USD theo thời giá hiện nay.

Với quy mô nền kinh tế như thế, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng có 2 siêu đô thị, một siêu đô thị ở ngoài Bắc là Hà Nội và một siêu đô thị ở trong Nam là Thành phố Hồ Chí Minh.

"Khi chúng ta định vị được thì các ngôn ngữ diễn đạt ở trong văn bản quy phạm pháp luật cũng sẽ đơn giản hơn. Ví dụ, chúng ta gọi thành phố Thủ Đức thuộc siêu đô thị Hồ Chí Minh hay chúng ta có thành phố Mê Linh thuộc siêu đô thị Hà Nội, hay chúng ta sẽ có thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố lớn Hải Phòng, nếu Hải Phòng chưa phải là siêu đô thị thì chúng ta gọi là thành phố lớn thay vì chúng ta gọi là thành phố trực thuộc Trung ương," đại biểu Huân nói.

Theo đại biểu này, nếu áp dụng được như vậy vừa đơn giản, có thể mang lợi ích trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật, đồng thời sẽ góp phần định vị thương hiệu của địa phương. Thành phố Thủ Đức thuộc siêu đô thị Hồ Chí Minh thì định vị thương hiệu trong thương mại quốc tế dễ hơn rất nhiều so với thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Gọi thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố lớn Hải Phòng thì sau này định vị thành phố Thủy Nguyên với các giao dịch quốc tế rất dễ, lợi ích mang lại không hề nhỏ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết mục đích của việc thành lập chính quyền đô thị Hải Phòng là thể chế hóa nghị quyết của Đảng, thực hiện nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, đảm bảo được tính kế thừa, cơ bản đồng bộ với Thành phố Chí Minh, Đà Nẵng và có lựa chọn bổ sung một số vấn đề phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, thu gọn cấp chính quyền và thống nhất một chế độ công vụ, tăng cường phân cấp, phân quyền để đảm bảo chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động năng động, tự chủ, thích ứng linh hoạt, phù hợp với vai trò, tính chất đặc thù, đặc trưng của đô thị; gắn kết trong việc thực hiện chính quyền đô thị của Hải Phòng với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

"Sắp xếp ở thành phố Hải Phòng, tôi có thể dùng từ "tiên phong" trong 4 đề án, trong đó có sắp xếp một số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã tương đối lớn, sắp xếp 101 đơn vị hành chính cấp xã và chỉ còn lại 50 đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp," Bộ trưởng nói.

Giải trình ý kiến đại biểu về đánh giá lại mô hình chính quyền đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng thông tin hiện nay, chúng ta đang tồn tại 2 tổ chức chính quyền đô thị của các thành phố trực thuộc Trung ương. Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh là chính quyền một cấp, thành phố Hà Nội là chính quyền 2 cấp, đã được đưa vào luật.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ tổng kết việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong thiết kế, có một chương riêng cho chính quyền đô thị, theo hướng chính quyền đô thị trực thuộc Trung ương, chính quyền đô thị trực thuộc tỉnh.

“Sẽ thiết kế hết sức cụ thể như vậy để rành mạch giữa chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn, chính quyền hải đảo, chính quyền kinh tế đặc thù”; cho biết điều này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định sau khi sửa, trừ thành phố Hà Nội, tất cả sẽ thực hiện theo một quy định chung của luật.

Cho biết “suy nghĩ thêm về siêu đô thị hay đô thị lớn," như ý kiến của đại biểu Huân, Bộ trưởng cũng nêu quan điểm, chính quyền địa phương hiện hành không nói như vậy mà chỉ nói là thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Nội vụ cũng nghiên cứu thêm, đảm bảo căn cứ đánh giá sao cho phù hợp với xu thế chung của các nước và phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong việc phát triển đô thị, xây dựng chính quyền đô thị./.