Đại biểu Quốc hội góp ý xây dựng Thành phố Huế theo mô hình đô thị di sản

Đa số đại biểu tán thành với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc TW để tạo thêm điều kiện, động lực cho Huế phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chiều 21/11, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Phát huy các giá trị di sản văn hóa Cố đô

Đa số đại biểu tán thành với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với quan điểm điều này một mặt ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh Thừa Thiên-Huế để đạt được những tiêu chí cần thiết của một thành phố trực thuộc Trung ương, mặt khác tạo thêm điều kiện, động lực để Huế phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông), việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là cơ sở để tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai quy hoạch chung đô thị tỉnh, chương trình phát triển đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một mô hình đô thị đặc trưng của Việt Nam, là đô thị văn hóa di sản quốc gia với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa-du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Tuy nhiên, với định hướng này, đại biểu cho rằng cần có các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị Huế hiện hữu và phần mở rộng các đô thị vệ tinh, nghiên cứu các giải pháp quản lý mật độ các khu vực đặc trưng như khu vực kinh thành, lăng tẩm, các điểm di tích dọc hai bên bờ sông Hương, khu vực ven biển, các đầm phá và vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên…

“Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra sức bật mới không chỉ cho thành phố phát triển mà còn gìn giữ, bảo tồn tốt kho tàng di sản văn hóa phong phú mà Cố đô Huế đang sở hữu. Đó cũng là sự đóng góp thiết thực cho vùng kinh tế Trung Trung bộ và cho đất nước," đại biểu này nói.

Từ thực tiễn thành lập các thành phố trực thuộc trung ương như Đà Nẵng, Cần Thơ đã giúp các địa phương này có sự phát triển vượt bậc, trở thành động lực chính cho khu vực và cả nước, bộ mặt đô thị thay đổi, tiềm năng phát triển kinh tế được phát huy tối đa, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nhận định, đây là cơ sở để sớm thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; tin rằng thành phố Huế sẽ có sự chuyển mình tích cực hơn trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Cố đô có một không hai.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, với tình hình tự nhiên xã hội và không gian hiện nay, dư địa cho thành phố Huế trực thuộc Trung ương là rất lớn, đây vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức đối với địa phương trong quá trình phát triển.

Để thành phố Huế sau này phát triển bền vững, việc giải quyết bài toán cốt lõi giữa bảo tồn và phát triển là rất khó. Đại biểu thống nhất cao quan điểm bảo tồn là cốt lõi với đặc thù là đô thị di sản, là Cố đô với nhiều đặc trưng riêng có đã làm nên Huế hôm nay.

Lấy bảo tồn làm cốt lõi

Đại biểu Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế chia sẻ đến nay, việc xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, đã xây dựng mô hình đô thị theo hướng đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và hình thành, phát triển các trung tâm về văn hóa, du lịch, trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đạt các điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nghị quyết của Thường vụ Quốc hội.

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã được sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế. Thành phố sẽ tạo động lực, sức bật mới không chỉ cho địa phương, mà còn góp phần thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia.

“Với mô hình tiêu chí lựa chọn là đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh, không phát triển dân cư, nhà cửa mật độ cao, đô thị nhánh, giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển, sẽ tạo điều kiện cho Huế bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước," ông Lưu nói.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết khi xây dựng đề án, dự thảo nghị quyết, Bộ Nội vụ cùng địa phương, các bộ, ngành đã nghiên cứu rất nhiều, bám sát chủ trương của Đảng, nhất là các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, quy định của pháp luật có liên quan, để đảm bảo việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương chặt chẽ, khoa học, chín rõ về cơ sở chính trị và pháp lý, tham khảo kinh nghiệm quốc tế khi thành lập các đô thị di sản. Đồng thời, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế, trong đó lấy bảo tồn làm cốt lõi.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Xây dựng và phát triển thành phố Huế trực thuộc Trung ương với mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tốt hơn, chất lượng, hiệu quả hơn, tạo động lực và nguồn lực cho sự phát triển, tạo sức lan tỏa cho Huế, cả vùng, và đất nước.

Bên cạnh đó, đổi mới tư duy cho phát triển đô thị Việt Nam, bảo đảm sự kế thừa, phát triển xanh, văn minh, bản sắc, đặt trong tổng thể màng lưới đô thị, màng lưới di sản của thế giới; tạo ra không gian đô thị của Việt Nam đa dạng, phong phú hơn, hiện đại, góp phần dẫn dắt phát triển đất nước.

Cùng với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, phải thực hiện mục tiêu tinh gọn, sắp xếp lại 4 đơn vị hành chính cấp huyện, 21 đơn vị hành chính cấp xã của Thừa Thiên-Huế./.