Đà tăng giá “vàng đen” chững lại do gián đoạn nguồn cung

Vào lúc 14 giờ 30 phút, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2025 giảm 2 xu Mỹ xuống 73,28 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 12/2024 giảm 3 xu Mỹ xuống 69,13 USD/thùng.

Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Ichihara, tỉnh Chiba, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Giá dầu ổn định tại thị trường châu Á trong phiên giao dịch chiều 19/11, sau đợt tăng giá trong phiên trước đó, nhờ việc ngừng sản xuất tại mỏ dầu Johan Sverdrup của Na Uy, và do giới đầu tư vẫn thận trọng trước những lo ngại về khả năng leo thang xung đột Nga-Ukraine.

Vào lúc 14 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2025 giảm 2 xu Mỹ xuống 73,28 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12/2024 giảm 3 xu Mỹ xuống 69,13 USD/thùng.

Cả hai loại dầu trên đều đã tăng hơn 2 USD/thùng trong phiên trước, sau khi công ty Equinor của Na Uy cho biết đã ngừng sản xuất tại mỏ dầu Johan Sverdrup, mỏ dầu lớn nhất Tây Âu, do sự cố mất điện trên đất liền.

Người phát ngôn của Equinor cho biết công ty đang tiến hành khởi động lại sản xuất, nhưng chưa rõ khi nào sẽ hoạt động trở lại.

Ngoài ra, mỏ dầu lớn nhất của Kazakhstan, mỏ Tengiz do “ông lớn” Chevron của Mỹ vận hành, đã giảm sản lượng từ 28-30% do công tác sửa chữa. Diễn biến này đã góp phần thắt chặt nguồn cung toàn cầu.

Các nhà phân tích của ngân hàng ING cho biết việc ngừng sản xuất tại mỏ Johan Sverdrup của Na Uy, vốn có sản lượng 755.000 thùng/ngày, và việc giảm sản lượng tại mỏ Tengiz ở Kazakhstan đã hỗ trợ giá dầu tăng lên.

Thêm vào đó, tình hình xung đột tại Ukraine đã gia tăng sau khi hệ thống điện của nước này thiệt hại nghiêm trọng do phải hứng chịu hành động quân sự có quy mô lớn nhất trong gần ba tháng qua.

Ông Toshitaka Tazawa, chuyên gia phân tích của công ty Fujitomi Securities, cho biết các nhà đầu tư đang thận trọng để đánh giá hướng diễn biến của cuộc xung đột tại Ukraine./.