Giải pháp nào để chống thuốc lá lậu trong bối cảnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt?

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần lộ trình hợp lý, minh bạch, kết hợp với kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nâng cao nhận thức cộng đồng là các giải pháp cần áp dụng đồng bộ.

Việc tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu thuốc lá là vô cùng quan trọng. (Ảnh: Vietnam+)

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Bên cạnh việc xây dựng một lộ trình tăng thuế hợp lý và minh bạch, việc tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu thuốc lá là vô cùng quan trọng. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần sự nỗ lực chung tay của toàn xã hội mới có thể đạt được mục tiêu kép: “Vừa tăng nguồn thu ngân sách, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia.”

Đây là thông điệp chính được nhấn mạnh tại tọa đàm “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá - những vấn đề đặt ra" do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 19/11/2024.

Buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp

Tại sự kiện, Tiến sỹ Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, chủ trì tọa đàm, nêu rõ việc việc tăng thuế nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá, tăng thu ngân sách bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực về xã hội. Tuy nhiên, khi thuế đối với sản phẩm thuốc lá hợp pháp tăng cao và đột ngột, giá bán sẽ tăng theo, người tiêu dùng có thể chuyển sang thuốc lá lậu, làm cho công tác phòng, chống buôn lậu càng thêm khó khăn.

Trên thực tế, thuốc lá lậu không chỉ đe dọa ngành thuốc lá hợp pháp, còn gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng (do sản phẩm không đảm bảo nguồn gốc-xuất xứ), trật tự kinh tế và an ninh xã hội. Theo đó, ông Nam cảnh báo công tác phòng chống thuốc lá lậu sẽ nhiều thách thức hơn khi một làn sóng buôn lậu mới có thể hình thành khi thuế tăng đột ngột.

“Việc tăng thuế nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Chính phủ, bao gồm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam, góp phần tăng thu ngân sách một cách bền vững và cân đối giảm thiểu các tác động tiêu cực về mặt xã hội. Tuy nhiên, khi tăng thuế, cần nghiên cứu mức tăng và lộ trình tăng hợp lý.”

Số liệu công bố từ Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương chỉ thấy thực trạng đáng lo ngại. Trong 10 tháng của năm, toàn ngành đã phát hiện 1.067 vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu, trong đó 800 vụ bị xử lý, 3 vụ chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 3,1 tỷ đồng và trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 5,6 tỷ đồng, bao gồm 23.931 bao thuốc lá và 4.000 sản phẩm khác (thiết bị, tinh dầu thuốc lá điện tử).

Năm 2024, hoạt động buôn lậu, nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ vào Việt Nam, đang là vấn đề hết sức nhức nhối trong xã hội. (Ảnh: Vietnam+)

Thượng tá Lê Thiện Thành, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn Điều tra, Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho hay trong năm 2024, hoạt động buôn lậu, nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ vào Việt Nam đã và đang là vấn đề hết sức nhức nhối trong xã hội. Trong bối cảnh đó, ông kiến nghị cần có lộ trình, chính sách tăng thuế hợp lý, phù hợp thực tiễn, trong đó chủ động thực hiện hài hòa mục tiêu của Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng.

“Lộ trình tăng thuế nên giãn ra để lực lượng Bộ đội Biên phòng và các cơ quan quản lý thị trường có thêm thời gian để chuẩn bị kế hoạch và lực lượng nhằm ứng phó hiệu quả với việc buôn thuốc lá lậu tăng cao do thuế tăng,” Thượng tá Lê Thiện Thành chia sẻ.

Thêm vào đó, Thượng tá Lê Thiện Thành khuyến nghị cần sớm sửa đổi Nghị định 98/2020/ND-CP để ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc lá lậu, củng cố cơ sở pháp lý trong công tác phòng chống buôn lậu, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp hợp pháp tồn tại.

Lắng nghe “tiếng nói” từ các con số

Phân tích mối liên hệ giữa việc tăng thuế và tăng thuốc lá lậu, ông Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho hay từ năm 2016, Việt Nam tăng thuế từ 65% lên 70%. Sau đó, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao năm 2017. Đến năm 2019, mức thuế tăng lên từ 70% lên 75% và số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao năm 2019 lên hơn 5,1 triệu bao năm 2020. Tới năm 2021, con số này lên gần 6,6 triệu bao.

Ông Dương nhấn mạnh việc tăng thuế không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tăng thuốc lậu. Tuy nhiên, khi suy xét lại các cột mốc kể trên cho thấy nếu tăng thuế theo lộ trình phù hợp sẽ giảm đi một nguy cơ quan trọng gia tăng việc buôn bán bất hợp pháp sản phẩm thuốc lá.

Với những đánh giá đó, ông Dương cho rằng các phương án tăng thuế cho thấy mức tăng vẫn cao và lộ trình tăng liên tục hằng năm có thể gây ra thách thức lớn cho ngành thuốc lá hợp pháp trong việc thích nghi, chuyển đổi và ổn định sản xuất. Điều này cũng có thể tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động và vấn đề an sinh xã hội. Để hỗ trợ công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả sau khi tăng thuế, ông Dương kiến nghị lộ trình tăng thuế nên giãn ra. Cụ thể là tần suất tăng thuế nên là 2 tới 3 năm/lần để các cơ quan quản lý thị trường có thêm thời gian để lên kế hoạch và chuẩn bị lực lượng nhằm ứng phó với làn sóng buôn lậu được dự đoán sẽ tràn mạnh mẽ vào Việt Nam sau khi thuế tăng.

Về mối tương quan này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, phân tích thêm do thuế tiêu thụ đặc biệt nằm trong giá bán, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng tỷ lệ thuế cơ cấu trong giá bán lẻ thuốc lá. Giá bán cao để giảm thiểu người hút thuốc lá, đặc biệt là hạn chế thế hệ trẻ tiếp cận với thuốc lá, hướng đến đảm bảo sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu các căn bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là liên quan đến hô hấp, ung thư phổi.

Song, khi giá bán trong nước cao cũng là cơ hội cho thuốc lá lậu. Các sản phẩm này có thể tránh tất cả các loại thuế và quy định hàm lượng chất trong sản phẩm (nhằm bù vào phần thiếu hụt tiêu thụ trong nước có khả năng cao xảy ra do việc giảm sản lượng hợp pháp).

Dẫn mô hình phân tích tác động của việc tăng thuế của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, bà Cúc cho rằng với cả 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo dự Luật, tổng lượng tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm khoảng 7% vào năm 2030. Thuốc lá hợp pháp giảm 30% ở phương án 1 (tương đương giảm 28 tỷ điếu) và giảm 36% ở phương án 2 (khoảng 31 tỷ điếu) so với năm 2025 trước khi tăng thuế. Điều này sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành thuốc lá, các doanh nghiệp có thể phá sản trong thời gian ngắn khi doanh thu sụt giảm khoảng 32%-35%. Ngược lại, lượng thuốc lá lậu dự kiến sẽ tăng mạnh ở cả 2 phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đề xuất. Đến năm 2030, thuốc lá lậu có thể sẽ tăng 205% ở phương án 1 (khoảng 22 tỷ điếu) và tăng 230% ở phương án 2 (tương đương 24 tỷ điếu) so với 2025.

"Lắng nghe" thị trường để có lộ trình hợp lý

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế, cho biết thêm mức thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối có mức tăng đột ngột như vậy sẽ khiến giá bán thuốc lá nội địa hợp pháp tăng mạnh để bù đắp phần nộp và làm giảm đáng kể khả năng chi trả của người tiêu dùng cho sản phẩm thuốc lá nội địa hợp pháp, khiến họ chuyển sang thuốc lá nhập lậu.

Theo bà Thủy, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối là liên tục hàng năm (không có khoảng thời gian giữa các lần tăng) sẽ không thể tạo ra sự ổn định cho thị trường thuốc lá hợp pháp, từ đó làm giảm dần nguồn thu ngân sách Nhà nước; các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá sẽ không có thời gian và nguồn lực để tái cơ cấu sản phẩm, chuyển đổi máy móc, vùng trồng nguyên liệu…

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có tác động tiêu cực đến việc sử dụng hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước đã đầu tư, ngân sách Nhà nước có thể thất thu nhiều hơn từ thuốc lá nhập lậu. (Ảnh: Vietnam+)

Dẫn thông tin từ Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ thuốc lá Việt Nam, bà Thủy cho biết hiện có 5 đầu mối chính đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc lá điếu đều là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có tác động tiêu cực đến việc sử dụng hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước đã đầu tư, ngân sách Nhà nước có thể thất thu nhiều hơn từ thuốc lá nhập lậu.

Do đó, bà Thủy cho hay Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành thuốc lá đề xuất tăng mức thuế tuyệt đối thêm 2.000 đồng vào năm 2026, tăng thêm 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030.

Từ những nội dung trao đổi trên, ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết quan điểm việc tăng thuế cần lộ trình hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thích nghi, giảm thiểu tác động tiêu cực đến việc làm và an sinh xã hội. Theo ông, chính sách đưa ra cần đánh giá định lượng xem việc tăng thuế có thực sự giảm số lượng người hút thuốc hay chỉ "đẩy" người tiêu dùng sang thuốc lá lậu.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thống nhất về sự cần thiết của sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc chống buôn lậu thuốc lá trong giai đoạn tăng thuế./.