Đà Nẵng: Xử lý sớm ổ dịch, ngăn lây lan đau mắt đỏ trong trường học
Mỗi ngày Bệnh viện Mắt thành phố Đà Nẵng tiếp nhận từ 600-700 bệnh nhân đau mắt đỏ, trong đó hơn 50% là trẻ em, tăng gấp 4 lần so với thời điểm trước khi bùng dịch.
Từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi bệnh viêm kết mạc) đang lây lan nhanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Số lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt tăng gấp nhiều lần so với thời điểm trước khi bùng dịch.
Bác sỹ Nguyễn Thị Huyền Trang, Phụ trách Phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Bệnh viện Mắt thành phố Đà Nẵng cho hay tại thành phố, bệnh mắt đỏ bắt đầu bùng phát từ đầu tháng 9, khi bắt đầu năm học mới.
Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 600-700 bệnh nhân đau mắt đỏ (trong đó hơn 50% là trẻ em), tăng gấp 4 lần so với thời điểm trước khi bùng dịch. Nếu số lượng bệnh nhân tiếp tục tăng nhanh, gấp 5-7 lần, bệnh viện có thể thiếu thuốc điều trị.
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh đau mắt đỏ thường do virus và các chất có hại xâm nhập, tích tụ ở mắt.
[Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh: Không thiếu thuốc điều trị đau mắt đỏ]
Bác sỹ Nguyễn Thị Huyền Trang khuyến cáo nếu bị bệnh đau mắt đỏ, bệnh nhân cần đến bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị; không được tự mua thuốc nhỏ mắt, nếu không đúng thuốc có thể dẫn đến biến chứng nặng hơn, dễ bị tái phát bệnh.
Để tránh bị lây nhiễm bệnh, mọi người không được dùng chung đồ cá nhân như khăn mặt, thường xuyên sát khuẩn tay, không tiếp xúc gần với bệnh nhân đang bị đau mắt đỏ.
Báo cáo của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cho biết từ ngày 1/9 đến ngày 11/9, có 22.444 trường hợp đau mắt đỏ đến khám và điều trị. Trong số đó, có 11.572 trẻ em, chiếm 51,5%. Số trẻ em khám ngoại trú tăng đột biến, trong đó trên 80% được chẩn đoán bị đau mắt đỏ.
Sở Y tế Đà Nẵng đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường; thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế) khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để.
Các trường Mầm non, Mẫu giáo cần đảm bảo vệ sinh trường học, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ. Chính quyền địa phương phối hợp, chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế tại cộng đồng, nhất là tại các cơ sở giáo dục./.