Những ‘mắt xích’ quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS
Từ năm 2019 khi bắt đầu triển khai, đến nay, các nhóm CAB của Việt Nam đã đạt nhiều thành quả trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng.
Mô hình CAB (Nhóm tư vấn hỗ trợ cộng đồng nâng cao chất lượng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS) là một trong những ‘mắt xích’ quan trọng giúp cải thiện chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hoạt động của các nhóm cộng đồng như CAB có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu Việt Nam chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Nỗ lực không mệt mỏi
Từ khi bắt đầu triển khai vào năm 2019, đến nay, các nhóm CAB của Việt Nam đã đạt nhiều thành quả trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng. Đó là những nỗ lực không mệt mỏi của các bạn trẻ tình nguyện viên tham gia vào công tác của nhóm tư vấn và hỗ trợ trong phòng chống HIV/AIDS.
[Quỹ phòng, chống AIDS đạt thỏa thuận giảm giá thuốc điều trị HIV]
Đào Minh Tín - Trưởng Nhóm Tư vấn và hỗ trợ cộng đồng tại tỉnh Bình Dương (CAB Bình Dương) đã có 10 năm gắn bó với các hoạt động liên quan phòng chống HIV/AIDS.
Tín chia sẻ công việc này đối với anh như "cá gặp nước" khi biết được mô hình CAB những ngày đầu mới thành lập, được các phòng khám tuyển dụng nhân viên. Trước khi trở thành thành viên của CAB Bình Dương, Tín đã có 10 năm tham gia các hoạt động cộng đồng hỗ trợ người có HIV/AIDS.
"Tôi yêu thích và say mê với công việc này, bởi chúng tôi tiếp cận là đại diện tiếng nói cho khách hàng, là cầu nối giữa nhân viên y tế với khách hàng/người bệnh, để những người có nguy cơ cao hay mắc HIV có cơ hội tiếp cận với các phương pháp điều trị và thuốc tốt nhất. Tôi nhận thấy đây là cơ hội hay, hỗ trợ được nhiều người bệnh nên tôi đã nắm lấy, gắn bó với công việc của một nhân viên hoạt động cộng đồng từ đó đến giờ," Tín chia sẻ.
Trong nhóm CAB Hải Phòng, Cao Thị Kim Giang dù mới tham gia được một năm, nhưng cô có rất nhiều cảm xúc sau khi hỗ trợ được những bệnh nhân HIV/AIDS.
Giang chia sẻ khi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân HIV, họ luôn mặc cảm, thậm chí không muốn để lộ tên vì sợ người khác biết được kỳ thị. Có bệnh nhân nữ Giang tiếp cận để hỗ trợ điều trị rất nhiều khó khăn vì bệnh nhân sống khép mình. Bệnh nhân này đến khi bệnh trong tình trạng nặng hơn gây ra sự suy giảm miễn dịch kèm theo với các bệnh khác như bị nấm lưỡi, rồi mắc lao... vẫn không dám đi điều trị. Nhưng sau thời gian thuyết phục dài, bệnh nhân đã dần tin tưởng Giang và đã tham gia điều trị.
Còn đối với Hồ Văn Nghĩa, một thành viên của CAB Bình Dương, vài năm trước anh đến với công việc của một thành viên nhóm cộng đồng CAB Bình Dương rất tình cờ, khi đó Nghĩa đang phải nghỉ ở nhà vì bị tai nạn. Sau đó, Nghĩa được Đào Minh Tín giới thiệu làm cộng tác viên hỗ trợ phòng khám.
Nghĩa chia sẻ: “Ngày nào mình cũng đến sớm trước 30 phút, đến nỗi các chị nhân viên y tế trêu: 'Làm không lương mà sao tích cực vậy Nghĩa,' nhưng với mình, hỗ trợ được mọi người lúc khó khăn, mình rất vui.”
Nhân rộng hơn nữa những chiếc “cầu nối”
Sau hơn 30 năm kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên (vào năm 1990), hiện là năm thứ 15 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí. Đó là giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS, giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.
Tuy nhiên hiện vẫn còn khoảng gần 30.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Việt Nam vẫn đang đối mặt với gánh nặng về xã hội và chăm sóc sức khỏe cho khoảng hơn 220.000 người nhiễm HIV.
Ông Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS đánh giá để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, vai trò của các nhóm cộng đồng là rất quan trọng. Nhóm CAB đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng đích (khách hàng nhận dịch vụ chương trình phòng, chống HIV/AIDS) và hệ thống y tế để tăng cường "tiếng nói," sự tham gia của cộng đồng thông qua nhiều hình thức trong các dịch vụ liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS.
Từ các kết quả đáng khích lệ của các nhóm CAB đã đạt được trong nhiều năm qua, Bộ Y tế, CDC Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế sẽ xem xét để có các giải pháp để duy trì và mở rộng hơn nữa các nhóm này nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác phòng chống HIV/AIDS.
Đến nay, 6 tỉnh thành (Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội) đã xây dựng nhóm CAB với 81 thành viên, hỗ trợ hơn 41 cơ sở y tế. Nhóm CAB tại các tỉnh đã đạt được nhiều kết quả như cải thiện thời gian chờ khám cho người bệnh từ 120 phút xuống còn 90 phút; có hơn 10.000 lượt khách hàng mà CAB đã hỗ trợ tư vấn và chuyển gửi trong năm qua.
Thành viên của CAB có thể là người sử dụng dịch vụ, người có HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV, các nhóm cộng đồng đích… nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, điều trị PrEP; đại diện khách hàng phản hồi ý kiến cho người cung cấp dịch vụ, góp phần nâng cao, cải thiện chất lượng dịch vụ tại các phòng khám./.