Cùng xây đắp vận mệnh giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào
Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam Khampheuy Keokinnaly về quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022); 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam (18/7/1977-18/7/2022) và chào mừng Năm Hữu nghị, Đoàn kết Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào 2022, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam Khampheuy Keokinnaly đã có bài viết về quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết:
Lào-Việt Nam núi sông liền một dải, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Hai nước có truyền thống quan hệ hữu nghị từ lâu đời, cùng kề vai sát cánh trên chặng đường lịch sử, đồng cam cộng khổ xây dựng nên mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, thủy chung, trong sáng có một không hai trên thế giới.
Trải qua quá trình phát triển của lịch sử, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong kính yêu và các vị tiền bối, nhân dân hai nước Lào-Việt Nam đã lập nên những kỳ tích vĩ đại cho trang sử vẻ vang của hai dân tộc và của thế giới.
Từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962, quan hệ giữa hai dân tộc càng được củng cố vững chắc. Hai dân tộc luôn giữ vững tình đoàn kết, cùng chia ngọt sẻ bùi, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa và cùng chung một chiến hào, những thử thách đó đã tạo nên mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, thủy chung, trong sáng hơn, có một không hai trên thế giới.
Vào những năm 1960, những người con của các bộ tộc Lào đã vượt qua mưa bom, bão đạn sang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam. Trải qua thời niên thiếu được sống và học tập ở nhà dân, được ăn cơm độn sắn, độn khoai cùng với các ông bố, bà mẹ Việt Nam tôi mới thấu hiểu được tình sâu nghĩa nặng mà người dân Việt Nam dành cho các bộ tộc Lào chúng tôi, giúp cho thế hệ học sinh, sinh viên Lào chúng tôi ngày ấy hiểu rõ về lịch sử của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và giờ đây trở thành những hạt giống kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, cùng đóng góp sức lực, trí tuệ cho việc gìn giữ, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào được như ngày hôm nay và tôi thật sự may mắn là một trong những người đó.
Thắm tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt
Trải qua nhiều thập kỷ, truyền thống tốt đẹp này luôn luôn in đậm trong trái tim tôi cũng như của nhân dân hai nước Lào và Việt Nam. Trong thời kỳ đấu tranh cứu nước, bộ đội và nhân dân Việt Nam anh em bằng cả trái tim, tấm lòng và tuổi thanh xuân của mình thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng nhân dân Lào chiến đấu chống lại các đế quốc hùng mạnh nhất, giành lại nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và nhiều người trong số họ đã hy sinh xương máu, cả tuổi thanh xuân của mình trên đất nước Triệu Voi này mãi mãi.
Nhân dân các bộ tộc Lào nguyện đời đời nhớ ơn họ, các tượng đài liên minh chiến đấu Lào-Việt được dựng tại ba miền trên đất nước Lào chính là minh chứng ghi nhận những hy sinh cao cả đó.
Bước vào giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng kiến thiết đất nước trong hòa bình và quá độ đi lên xã hội chủ nghĩa, ngày 18/7/1977, hai nước chúng ta đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào. Hiệp ước mang ý nghĩa rất to lớn, là cơ sở pháp lý cho việc mở rộng hợp tác đặc biệt toàn diện của hai nước trong giai đoạn mới và kể từ đó, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng khác…
Hiện nay, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện của hai nước Lào-Việt Nam ngày càng được củng cố và tăng cường cả về chiều sâu, chiều rộng và hiệu quả.
Việc lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm viếng đã làm tăng thêm lòng tin chiến lược lẫn nhau, trong khi quan hệ về chính trị, quốc phòng-an ninh tiếp tục là trụ cột, là sức mạnh và là nhân tố cốt lõi cho việc tăng cường mối quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện trước sau như một của hai nước Lào-Việt Nam; đầu tư của Việt Nam vào Lào ngày càng nhiều hơn và ngược lại, các nhà đầu tư Lào tại Việt Nam cũng càng ngày càng phát triển lớn mạnh, tất cả đều vì mục tiêu đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước chúng ta.
Việt Nam hiện là một trong những nước đầu tư lớn nhất vào Lào trong số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung vào các lĩnh vực thủy điện, khoáng sản, nông nghiệp, dịch vụ và các lĩnh vực khác.
Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào không chỉ tính tới lợi nhuận kinh tế mà họ còn chú trọng xây dựng các dự án hỗ trợ nâng cao đời sống sinh hoạt của nhân dân Lào như trường học, bệnh viện, hệ thống thủy lợi...
Trong năm 2021, mặc dù đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng tới hai nước nhưng kim ngạch thương mại vẫn đạt 1,34 tỷ USD, tăng 30,2% so với năm 2020. Riêng Lào đã tăng xuất hàng hóa nông sản chủ lực sang Việt Nam, như gạo, cà phê, mủ cao su, chuối, đường, dưa hấu... ngày càng đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam.
Giáo dục, đào tạo tiếp tục được hai Đảng, hai Nhà nước xác định là ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ quan trọng, là lĩnh vực hợp tác chiến lược lâu dài trong mối quan hệ hữu nghị, gắn bó lâu đời giữa hai nước.
Hằng năm, Chính phủ Việt Nam cấp 1.100 suất học bổng cho sinh viên Lào sang học, nghiên cứu tại Việt Nam, ngoài ra còn một số lượng lớn học bổng của các tỉnh, của các học viện và cả tự túc với xu hướng ngày càng tăng.
Có thể nói số sinh viên Lào được đào tạo tại Việt Nam là nhiều nhất trong các nước cấp học bổng cho Chính phủ Lào và Việt Nam là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chủ chốt cho Lào. Lớp lớp cựu sinh viên này đã và đang trở thành vốn quý, là tài sản vô giá, là nguồn động lực thúc đẩy các công việc cả nhà nước và tư nhân, từ cấp trung ương tới địa phương của hai nước Lào và Việt Nam.
Hợp tác về y tế giữa hai nước ngày càng được củng cố và tăng cường, nổi bật là việc Chính phủ Việt Nam đã viện trợ không hoàn lại hai dự án lớn xây dựng bệnh viện đa khoa, hiện đại tại tỉnh Huaphanh và tỉnh Xiengkhuang để chăm lo sức khỏe cho nhân dân các tỉnh Bắc Lào, dự tính sẽ hoàn thành trong năm 2022. Việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới và công tác phối hợp khám, chữa bệnh từ xa vẫn tiếp tục được quan tâm thúc đẩy.
[Phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam vững bền]
Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Lào, Việt Nam là nước đầu tiên giúp Lào về trang thiết bị, chuyên gia y tế. Về phía Lào, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn chia sẻ giúp lại bạn Việt Nam phòng chống dịch. Đây là minh chứng cho tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa," một trong những biểu tượng của tình hữu nghị cao đẹp, thủy chung và trong sáng, tượng trưng cho tinh thần sẵn sàng chia sẻ, luôn sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh của hai dân tộc.
Một dự án tiêu biểu, biểu tượng mới của mối quan hệ giữa hai nước là Tòa nhà Quốc hội mới của Lào, quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.
Tọa lạc ở bên cạnh Thạt Luổng, biểu tượng thiêng liêng cho sự đoàn kết của dân tộc Lào, công trình được chính thức khánh thành vào ngày 10/8/2021. Kiến trúc công trình là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa, họa tiết, hoa văn mang đậm bản sắc, phong tục truyền thống của Lào với các giải pháp công nghệ, thiết bị hiện đại, kỹ thuật, công nghệ quản lý thi công tiên tiến của Việt Nam. Đây là công trình được lãnh đạo Lào đánh giá có 4 cái nhất gồm "hiện đại nhất, hài hòa bản sắc dân tộc nhất, vững chắc nhất, có giá trị đầu tư lớn nhất."
Trên cơ sở kế hoạch phát triển của mỗi nước, nhu cầu, tiềm năng Lào và Việt Nam còn rất lớn vì vậy chúng ta phải tiếp tục duy trì một cách sáng tạo các cơ chế chính sách đặc thù với nhiều hình thức giúp đỡ tương trợ lẫn nhau, phù hợp với xu thế của thời đại mới.
Bên cạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, chúng ta cũng mở rộng hợp tác với nước thứ ba nhằm thu hút tối đa nguồn lực, phục vụ cho sự phát triển của mỗi nước.
Nâng tầm hợp tác toàn diện
Hiện Việt Nam đang tích cực tập trung vào “Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ XIII” trong khi Lào tiếp tục thực hiện chiến lược “Chuyển mình từ nước không có đường ra biển trở thành nước kết nối tiểu khu vực” đồng thời chú trọng triển khai “Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ IX."
Để tạo điều kiện hỗ trợ nhau cùng phát triển bền vững, Lào và Việt Nam đã xác định chiến lược phát triển, kết nối hạ tầng giao thông giữa hai nước, nổi bật nhất là dự án hợp tác đầu tư phát triển cầu cảng 1-2-3 tại cảng Vũng Áng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Lào có đường ra biển.
Hiện hai nước cũng đang tích cực thúc đẩy nhằm hiện thực hóa việc phát triển các dự án lớn như tuyến đường cao tốc Hà Nội-Vientiane, dự án xây dựng đường sắt Lào-Việt Nam từ Vientiane-Thakheck-Tân Ấp-Vũng Áng (Hà Tĩnh-Việt Nam).
Các dự án trên không chỉ được coi là huyết mạch của tình hữu nghị kết nối với khu vực và quốc tế theo hướng hợp tác bền vững, đồng thời xúc tiến phát triển hành lang kinh tế Đông-Tây nhằm thúc đẩy và khuyến khích phát triển về du lịch, mà còn là biểu tượng cho sự hợp tác thiết thực nhất, giúp đem lại lợi ích cao nhất cho người dân hai nước.
Bên cạnh đó, việc kết nối mạng lưới điện và việc mua-bán điện giữa hai nước đã có những tiến triển, nhiều dự án phát triển năng lượng điện của Lào đã được ký kết để bán cho Việt Nam.
“Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”
Trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội theo bản sắc riêng của mình, hai nước Lào và Việt Nam cùng chung một lý tưởng, thống nhất và đồng thuận hỗ trợ nhau phát triển, cùng xây dựng một tương lai tươi sáng vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Thời gian tới, hai nước phải tiếp tục sứ mệnh cách mạng, truyền thống mà hai dân tộc đã giao phó bằng việc tiếp tục củng cố và phát triển sâu, rộng hơn nữa quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước; tiếp tục hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan tới lợi ích và vận mệnh, cùng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhau trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, hai nước cần tiếp tục hợp tác theo hướng tự cường để cùng phát triển; tiếp tục ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau, kế thừa di sản vô giá mà các thế hệ tiền bối để lại, tiếp tục làm cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào mãi mãi bền vững hơn núi hơn sông./.