Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra các dự thảo nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 tại Kỳ họp thứ 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số: 19/2022/UBTVQH15 "Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022."

Theo Nghị quyết, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 theo quy trình tại một kỳ họp các dự thảo nghị quyết: Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

[Nhiều cố gắng, đổi mới trong công tác xây dựng thể chế]

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra các dự thảo nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 tại Kỳ họp thứ 3 như sau: Đối với Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chính phủ là cơ quan trình; Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội là cơ quan tham gia thẩm tra. Đối với Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Chính phủ là cơ quan trình; Ủy ban Tài chính, Ngân sách là cơ quan chủ trì thẩm tra; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội là cơ quan tham gia thẩm tra.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 21 tháng 4 năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)