Công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột chính của Quảng Ninh

Quảng Ninh xác định phải đạt 3 đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến-chế tạo, gồm đột phá về thu hút đầu tư; tỷ trọng đóng góp trong GRDP và thu hút lao động chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Quy trình sản xuất đông lạnh tôm theo quy chuẩn xuất khẩu nước ngoài. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020, nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh đạt xấp xỉ 19%.

Qua đó khẳng định thêm công nghiệp chế biến, chế tạo là một ngành kinh tế quan trọng và trở thành trụ cột chính của địa phương này.

Quảng Ninh xác định phải đạt 3 đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, gồm đột phá về thu hút đầu tư, về tỷ trọng đóng góp trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) và thu hút lao động chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Sau gần 2 năm triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt và vượt đối với các mục tiêu về tỷ trọng trong GRDP, tốc độ tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư đề ra tại nghị quyết.

Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh ngày càng tăng, năm 2021 đạt 11,9% - tăng 2,1% so với năm 2020, 9 tháng của năm 2022 ước đạt 12,3%, tăng 0,4% so với năm 2021 và tăng 2,5% so với năm 2020. Bình quân 2 năm, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt xấp xỉ 19% (cao hơn so với mức bình quân đã đề ra theo Nghị quyết 01 là 17%/năm).

Tổng vốn đầu tư đạt trên 32.976 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) đạt 1.112 triệu USD, đạt 65,8% mục tiêu Nghị quyết đã đề ra. Tổng số lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh tăng lên khoảng 9.200 người, đạt 76,7% so với mục tiêu bình quân đề ra.

[Quảng Ninh thu ngân sách 9 tháng từ xuất nhập khẩu tăng 53%]

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng năm 2022 có xu hướng chậm lại so với cùng kỳ do một số dự án công nghiệp chế biến, chế tạo chưa đi vào hoạt động, một số sản phẩm có đóng góp vào GRDP không đạt được sản lượng theo kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân là do tiến độ lập quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng một số khu công nghiệp còn chậm; việc triển khai một số dự án hạ tầng khu công nghiệp còn chưa đáp ứng được yêu cầu…

Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng các sở, ngành liên quan sẽ tập trung rà soát, đánh giá lại việc hỗ trợ cho nhà đầu tư bên trong khu công nghiệp liên quan đến vật liệu san lấp; hạ tầng điện, nước đến chân hàng rào trong nội khu công nghiệp; xử lý nước thải ngoài hàng rào; việc kết nối các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội xung quanh khu công nghiệp; hướng đầu tư hạ tầng kết nối từ nguồn ngân sách cho các khu công nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư theo hướng chủ động, mang tính chuyên môn cao; nghiên cứu xây dựng, ban hành bộ tiêu chí quan lựa chọn các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; thực hiện công khai, minh bạch thông tin quy hoạch tỉnh.

Bên cạnh đó, có giải pháp mạnh mẽ giải quyết bài toán về lao động ở Quảng Ninh nói chung và lao động trong các khu kinh tế, khu công nghiệp nói riêng; có những chính sách để chuyển đổi cơ cấu lao động tại địa phương, chính sách về đào tạo và đào tạo lại lao động để góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Quảng Ninh xác định, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1” khu công nghiệp-khu đô thị-khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại tạo môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, hiện đại an toàn, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động và chất lượng cuộc sống cho người dân./.

Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)