Công khai, minh bạch, chống tiêu cực trong công tác xử lý vật chứng, tài sản
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định tòa án có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của các hành vi, quyết định về việc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của các cơ quan điều tra.
Thảo luận tại tổ về dự án Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, ngày 30/10, các đại biểu cho rằng, quá trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, bên cạnh việc làm rõ vụ án, người phạm tội, hành vi phạm tội, cần bổ sung biện pháp "tịch thu, tiêu hủy" trong xử lý vật chứng; đồng thời, công khai, minh bạch, chống tiêu cực trong công tác xử lý vật chứng, tài sản.
Đề xuất bổ sung biện pháp "tịch thu, tiêu hủy" trong xử lý vật chứng
Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự hiện nay cho thấy vẫn còn tình trạng nhiều vật chứng, tài sản chưa được xử lý triệt để, trong đó nhiều vật chứng, tài sản trong các giai đoạn tố tụng khác nhau thời gian dài không xử lý được, gây thất thoát, hư hỏng, tốn kém trong bảo quản.
Luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa có quy định về việc xử lý vật chứng, tài sản là tiền, bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá…; chưa có quy định trực tiếp về việc áp dụng biện pháp "tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản" để bảo đảm áp dụng các biện pháp xử lý nên dẫn đến việc xử lý vật chứng, tài sản trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, theo các đại biểu, việc ban hành dự thảo "Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự" là cần thiết. Đây sẽ là cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua. Đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và những người có liên quan; tránh làm mất mát, hư hỏng tài sản, gây ra những ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, sản xuất, kinh doanh; gây lãng phí, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân.
Cho ý kiến cụ thể về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ) nêu rõ, dự thảo Nghị quyết đưa ra 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, tuy nhiên trong thực tiễn, quá trình điều tra vụ án, truy tố, xét xử, có những vật chứng, tài sản cần thiết phải tịch thu hoặc vật chứng phải tiêu hủy ngay như vi khuẩn gây bệnh, hóa chất gây ô nhiễm môi trường. Do đó, đại biểu đề xuất đưa thêm vào dự thảo Nghị quyết biện pháp xử lý vật chứng bằng "tịch thu, tiêu hủy."
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) phân tích, vật chứng, tài sản liên quan đến các vụ án hình sự thường có nguồn gốc và tính chất phức tạp. Thời gian qua, có một số vụ án mà vật chứng đã "chứng minh tội phạm" và không còn giá trị trên thực tế nhưng không thể thực hiện "tiêu hủy" vì phải đợi hoàn thành tất cả các giai đoạn của vụ án, gây lãng phí ngân sách và nguồn lực rất lớn. Do đó, đại biểu kiến nghị bổ sung cơ chế "tịch thu, tiêu hủy" trong dự thảo Nghị quyết. Đây cũng là một trong 6 cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đã được Bộ Chính trị cho phép thí điểm trong Đề án về xử lý vật chứng. Việc xử lý vật chứng, tài sản một cách kịp thời giúp tránh tình trạng lưu giữ quá lâu, gây lãng phí ngân sách và nguồn lực quản lý.
Công khai, minh bạch, chống tiêu cực trong công tác xử lý vật chứng, tài sản
Đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) phân tích, theo quy định hiện hành, trong suốt quá trình giải quyết vụ án, vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, phong tỏa không được lưu thông phục vụ các hoạt động đời sống, kinh tế và chỉ được trả lại trong những trường hợp nhất định.
Đại biểu cho rằng dự thảo Nghị quyết đã quy định theo hướng linh hoạt hơn, khi vật chứng, tài sản được xử lý sớm, bị hại được nhận lại tiền bồi thường sớm hơn mà không phải đợi đến khi có bản án, quyết định của tòa án. Điều này góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của bị hại và những người có liên quan.
Tuy nhiên, việc dự thảo quy định "Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được áp dụng trong suốt quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và phải có sự thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng trước khi ra quyết định" tại điểm b khoản 7 Điều 3 dự thảo Nghị quyết "là trái với nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án được ghi nhận trong Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự."
Cũng theo đại biểu Lương Văn Hùng, theo quy định của dự thảo thì trong quá trình xét xử, việc tòa án áp dụng, quyết định về xử lý vật chứng, tài sản phải có sự thống nhất với cơ quan điều tra, viện kiểm sát là chưa phù hợp, trong khi hội đồng xét xử phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình và được ghi nhận trong bản án, quyết định của tòa án.
Để đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xử lý vật chứng, tài sản, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của chủ sở hữu tài sản, đại biểu đề nghị bổ sung quy định tòa án có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của các hành vi, quyết định về việc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong quá trình điều tra, truy tố.
Quy định này nhằm đảm bảo nguyên tắc tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp và tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân./.