Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo, đưa đất nước vươn mình: Sứ mệnh lịch sử
Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới thì yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo để dẫn dắt dân tộc bước vào “kỷ nguyên vươn mình,” được đặt ra cấp bách.
Hơn 94 năm lãnh đạo Cách mạng, Đảng ta không ngừng hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền.
Và hiện tại, đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới thì yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo để dẫn dắt dân tộc bước vào “kỷ nguyên vươn mình,” đang đặt ra cấp bách.
Dẫn lối dân tộc vào kỷ nguyên mới
Thực tiễn và lịch sử cả trong nước và quốc tế đã cho thấy những dẫn chứng cụ thể, khi có những thời điểm cách mạng gặp khó khăn, khủng hoảng thậm chí là thất bại, nguyên nhân không xuất phát từ chủ trương đường lối mà chính là phương thức lãnh đạo chưa phù hợp, chưa bắt kịp với tình hình, bối cảnh thời điểm đó đang đặt ra.
Thực tiễn trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo luôn được Đảng ta coi trọng, từng bước thực hiện với những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa-xã hội cho rằng việc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng phù hợp với bối cảnh mới hiện nay. Đó là những yêu cầu khách quan. Chính sự linh hoạt, sáng tạo, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đã chèo lái con thuyền đất nước vượt qua được những khó khăn.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói kỷ nguyên mới, kỷ nguyên ở đây là kỷ nguyên phát triển mới, giai đoạn phát triển mới ở Việt Nam, đặt ra một khát vọng lớn. Khát vọng trở thành nước đang phát triển có thu nhập cao vào năm 2030, đặc biệt đến 2045 thành nước phát triển có thu nhập cao.
Do đó, phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đây chính là kinh nghiệm của Đảng ta trong suốt quá trình cách mạng đó là luôn sáng tạo, luôn đổi mới nhưng bản chất không thay đổi. Nguyên tắc là không thay đổi vị trí lãnh đạo của Đảng, nhưng đổi mới về phương thức là cần thiết.
Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại hội VII của Đảng lần đầu tiên đề cập “đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng”, nhấn mạnh cần “quy định cụ thể mối quan hệ và lề lối làm việc giữa Đảng với Nhà nước và các đoàn thể nhân dân ở các cấp, trước hết là ở Trung ương.”
Các Đại hội VIII, IX, X, XI và XII đều tiếp tục bổ sung, phát triển quan điểm về phương thức lãnh đạo của Đảng; Đại hội XIII nhấn mạnh “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.”
Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội được khẳng định trong các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” cũng sớm được khẳng định và thực thi bằng các quy định chặt chẽ trong Điều lệ Đảng, Hiến pháp và các quy định của pháp luật, cũng như các quy chế, quy định của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, các hội quần chúng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Ngọc Nam, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, Đảng ta đã làm tròn vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình. Mặc dù trong quá trình phát triển có những khó khăn nhất định nhưng Đảng ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức, thậm chí nhanh chóng phát hiện và sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của mình để ngày càng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi cuộc cách mạng Việt Nam trong các thời kỳ.
Việc xây dựng Đảng cầm quyền theo đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo là đề ra đường lối đúng để phát triển đất nước và thông qua đường lối đó để lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo tổ chức đoàn thể để thực hiện đường lối đó.
Vai trò lãnh đạo của Đảng - yếu tố then chốt
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng thường xuyên đổi mới, phát triển, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, cầm quyền phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, từ đó lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Thủy, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương nhận định, vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay là yếu tố then chốt bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh, giúp Đảng vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa đất nước phát triển.
Phân tích từ thực tiễn tại Bình Dương, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thủy cho rằng, tỉnh đã đạt được những bước tiến lớn nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo. Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025, vai trò của Đảng bộ tỉnh được đánh giá cao trong việc định hướng phát triển kinh tế-xã hội.
Với các chính sách thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, Bình Dương đã trở thành tỉnh dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Sự phát triển này không chỉ thúc đẩy nền kinh tế mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các chương trình an sinh xã hội, giáo dục và y tế.
Để duy trì đà phát triển này, tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, cũng như thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung phát triển đô thị theo hướng bền vững, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm và xây dựng thành phố thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Thủy bày tỏ tin tưởng, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mục tiêu tỉnh Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 sẽ thành hiện thực, góp phần đưa tỉnh trở thành một địa phương văn minh, hiện đại; giúp khu vực Đông Nam Bộ là trung tâm kinh tế, tài chính, giáo dục và khoa học công nghệ hàng đầu trong cả nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu, luôn trung thành tuyệt đối và vô hạn với lợi ích của dân tộc, của nhân dân, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác,” đã chèo lái con thuyền cách mạng, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, lập nên nhiều kỳ tích.
Từ một đất nước chưa có tên trên bản đồ thế giới, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế.
Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 FTA gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.
Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Bước sang thế kỷ 21, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội. Ước tính tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 5,7-5,9%/năm, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới; quy mô nền kinh tế tăng 1,45 lần, ước đạt 500 tỷ USD vào năm 2025. Thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh từ 3.400 USD đến khoảng 4.650 USD, đưa Việt Nam vào nhóm nước thu nhập trung bình cao vào năm 2025…
Đặc biệt, với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong 5 năm tới (2026-2030), nước ta tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021 - 2030); hướng tới mốc son 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; tạo nền tảng để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Trước những dấu mốc có tính bước ngoặt này, cán bộ, đảng viên và nhân dân đang rất trông đợi, kỳ vọng lớn vào những quyết sách mới, mạnh mẽ và sáng suốt của Đảng để mang lại những đột phá phát triển cho đất nước./.