Cộng đồng quốc tế kêu gọi tránh leo thang cuộc chiến giữa Israel-Hamas

Lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng về các biện pháp giảm leo thang căng thẳng ở Dải Gaza, giúp đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và tiến tới giải quyết cuộc xung đột Hamas-Israel.

Đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo đi qua Cửa khẩu Rafah từ Ai Cập vào Dải Gaza ngày 21/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi bùng phát xung đột với Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza ngày 7/10 vừa qua, Israel đã bao vây hoàn toàn vùng lãnh thổ này, cắt điện, nước, năng lượng và phong tỏa Cửa khẩu Rafah, 2,4 triệu người dân Palestine đang mắc kẹt tại Gaza.

Cộng đồng quốc tế và khu vực nhiều lần hối thúc Israel cho đưa hàng viện trợ cấp thiết vào vùng lãnh thổ này để giảm nhẹ thảm họa nhân đạo của người dân Palestine ở đây.

Đức hoan nghênh việc chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza

Từ 10 giờ sáng 21/10 theo giờ địa phương (tức 14 giờ cùng ngày theo giờ Hà Nội), đoàn xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo của quốc tế đã bắt đầu đi qua cửa khẩu Rafah từ Ai Cập vào phía Nam Dải Gaza.

Đoàn đầu tiên gồm 20 xe của Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Ai Cập đã vào Gaza, trong khi 36 xe khác đang xếp hàng chờ di chuyển vào vùng lãnh thổ bị phong tỏa này.

Bốn xe cứu thương, trong đó có 2 xe của Liên hợp quốc và 2 xe của Hội Chữ thập Đỏ cũng chuẩn bị vào Gaza.

Ngay sau đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã hoan nghênh việc các xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo tới Dải Gaza ngày 21/10, đánh dấu chuyến giao hàng cứu trợ đầu tiên kể từ khi xung đột bắt đầu.

Trên mạng xã hội X, ông Scholz viết: “Tin tốt lành và quan trọng là chuyến hàng viện trợ nhân đạo đầu tiên hiện đang được chuyển đến người dân ở Gaza," đồng thời khẳng định Đức sẽ làm việc “thông qua tất cả các kênh để giảm thiểu mất mát trong cuộc xung đột này."

Nhiều nỗ lực chấm dứt xung đột Hamas-Israel

Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Quốc tế đã được tổ chức tại Ai Cập ngày 21/10 nhằm thảo luận các biện pháp giảm leo thang căng thẳng ở Dải Gaza, giúp đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và tiến tới giải quyết cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ thông qua giải pháp hai nhà nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng tiến trình hòa bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine nên được nối lại trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.

Thủ tướng Mitsotakis cũng cho biết thêm: “Không có sự can thiệp quân sự nào có thể thay thế một giải pháp chính trị khả thi."

Cũng tại Hội nghị này, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud cho biết ông phản đối "các nỗ lực cưỡng bức di dời" người dân Gaza của Israel.

[Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn tại Dải Gaza]

Còn Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết ông đã nói với Chính phủ Israel về nghĩa vụ phải hành động phù hợp với luật pháp quốc tế và bảo vệ mạng sống của dân thường ở Gaza, đồng thời yêu cầu quân đội nước này thể hiện sự kiềm chế.

Trong khi đó cùng ngày, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nhấn mạnh cộng đồng quốc tế phải tránh leo thang cuộc chiến giữa Israel và Hamas, đồng thời đưa ra một lộ trình hướng tới giải pháp hai nhà nước.

Khu trại tạm dành cho người dân phải rời bỏ nhà cửa do xung đột tại Khan Younis, Dải Gaza, ngày 19/10. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 20/10, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết nước này vẫn theo đuổi giải pháp hai nhà nước để đạt được một nền hòa bình ở Trung Đông, khẳng định đây là lập trường không đổi của Ottawa, bất chấp cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi để thảo luận về tình hình tại Dải Gaza. Hai nhà lãnh đạo cho rằng tình hình nhân đạo tại dải Gaza đang ở mức nghiêm trọng, trong khi việc cung cấp hàng viện trợ thiết yếu cho người dân Palestine tại đây lại gặp nhiều thách thức.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) lần thứ nhất diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng hối thúc chấm dứt bạo lực ở dải Gaza và dành ưu tiên cho các vấn đề nhân đạo.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Algeria Ahmed Attaf về tình hình nhân đạo ở Gaza và các cuộc tấn công gần đây vào dải đất này.

Ngoại trưởng Iran cho biết trong hoàn cảnh hiện nay, ưu tiên cấp bách phải là ngăn chặn xung đột và gửi hàng cứu trợ đến các khu vực bị phong tỏa.

Về phần mình, Ngoại trưởng Algeria nêu nguyên nhân gốc rễ dẫn tới xung đột hiện nay giữa Israel và lực lượng Hamas: đó là việc không thành lập được một nhà nước độc lập cho người Palestine.

Từ Mỹ, Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra thông điệp đoàn kết về cuộc chiến Israel-Hamas.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rõ EU và Mỹ đang “xây dựng một mặt trận thống nhất” trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với những thách thức to lớn và cần một liên minh EU-Mỹ mạnh mẽ để giải quyết những thách thức này.

Chuyển cậu bé bị thương sau đợt không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, Dải Gaza ngày 19/10. (Ảnh: THX/TTXVN)

Không chỉ giới quan chức, một loạt ngôi sao nổi tiếng của Hollywood, trong đó có nữ diễn viên Cate Blanchett, nam tài tử Joaquin Phoenix, nam diễn viên phim truyền hình Ramy Youssef cũng đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó hối thúc ông kêu gọi thiết lập một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas.

Theo Bộ Y tế Palestine, kết từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas leo thang ngày 7/10, đã có 4.385 người thiệt mạng và 13.651 người bị thương. Số trẻ em và phụ nữ thiệt mạng lần lượt là 1.756 và 976 người.

Phía Israel cũng có hàng trăm người thương vong. Chưa kể tới những thiệt hại vật chất ở cả hai bên do nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy, trong đó có cả bệnh viện, trường học./.

(Vietnam+)