Liên hợp quốc, Fed cảnh báo tác động của căng thẳng địa chính trị
Kỷ nguyên mới được đánh dấu bằng sự chia rẽ ngày một sâu sắc và các căng thẳng địa chính trị hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên.
Ngày 20/10, ông Khaled Khiari, Trợ lý của Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách khu vực Trung Đông, châu Á và Thái Bình Dương cảnh báo tác động của căng thẳng địa chính trị trên phạm vi toàn cầu trong bối cảnh trật tự thế giới đang trải qua quá trình thay đổi.
Phát biểu tại cuộc tranh luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về đóng góp của các thỏa thuận khu vực, tiểu vùng và song phương đối với việc ngăn chặn và giải quyết hòa bình các tranh chấp, ông Khiari nhấn mạnh: "Thế giới đã bước vào một kỷ nguyên mới. Thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và quá trình chuyển đổi sang một trật tự toàn cầu mới đang diễn ra."
Theo ông Khiari, lịch sử cho thấy "các giai đoạn chuyển đổi thường đi kèm với những rủi ro ngày càng tăng."
[Tầm quan trọng của ASEAN trong định hình trật tự thế giới]
Kỷ nguyên mới được đánh dấu bằng sự chia rẽ ngày một sâu sắc và các căng thẳng địa chính trị hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên.
Cạnh tranh giữa các nước đang ngày càng thách thức những ranh giới được đặt ra trong Hiến chương Liên hợp quốc.
Quan chức Liên hợp quốc cho rằng việc mất niềm tin và nguy cơ leo thang căng thẳng đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực trên thế giới.
Trong khi đó, nhiều nước tỏ ra bất bình khi các cam kết không được đáp ứng và tiêu chuẩn kép.
Khi xung đột địa chính trị và thách thức đối với các chuẩn mực quốc tế ngày một tăng, việc đàm phán nhằm giải quyết xung đột càng khó đạt được hơn. Điều đáng buồn là việc theo đổi các giải pháp quân sự là đặc điểm nổi bật của các xung đột gần đây, trong đó dân thường phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Cũng theo ông Khiari, việc giảm các khuôn khổ kiểm soát vũ khí cũng như xử lý khủng hoảng trên toàn cầu và khu vực càng làm tăng nguy cơ xảy ra bế tắc nguy hiểm, tính toán sai lầm và leo thang căng thẳng.
Tại một số khu vực, chính trị toàn cầu phân cực phản ánh qua việc xóa bỏ các nỗ lực hội nhập - từng góp phần ổn định khu vực trong nhiều thập niên.
Quan chức Liên hợp quốc nêu rõ tình hình nguy hiểm và leo thang căng thẳng giữa Israel và Hamas là "lời nhắc nhở" về nhu cầu cấp thiết phải chấm dứt bạo lực, thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức và mở đường đàm phán hướng tới giải pháp chính trị toàn diện, lâu dài và công bằng.
Ông Khiari cảnh báo thiếu vắng việc đàm phán về giải pháp hai nhà nước, có thể đẩy vòng xoáy bạo lực này lan ra toàn khu vực trong nhiều năm và nhiều thế hệ tới.
Ông Khiari nhắc lại Chương VI của Hiến chương Liên hợp quốc quy định rõ tất cả các nước cần dựa vào các biện pháp hòa bình, coi đây là lựa chọn đầu tiên trong giải quyết các tranh chấp.
Trong bối cảnh hiện nay, ông cho rằng việc tuân thủ các nguyên tắc được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc vẫn là "điều kiện tiên quyết thiết yếu" và nghĩa vụ chung của các nước theo luật pháp quốc tế là "ngăn chặn và giải quyết xung đột vũ trang."
Các khuôn khổ và thể chế khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tin và "hạ nhiệt" căng thẳng.
Cùng ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) cảnh báo cuộc xung đột giữa Israel và Hamas cùng cuộc xung đột tại Ukraine có thể ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và đẩy lạm phát toàn cầu lên cao.
Trong báo cáo về ổn định tài chính, công bố 6 tháng/lần, Fed nhấn mạnh các cuộc xung đột này đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị.
Việc làm gia tăng các cuộc xung đột hoặc làm căng thẳng địa chính trị trầm trọng hơn có thể làm giảm hoạt động kinh tế, thúc đẩy lạm phát trên toàn cầu./.