Chuyên gia Trung Quốc: Việt Nam trải qua cuộc chuyển mình to lớn sau nửa thế kỷ

Việt Nam đã trải qua một cuộc chuyển mình to lớn trong 50 năm kể từ ngày thống nhất, đánh dấu bằng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI năm 1986, mở ra con đường cải cách và phát triển.

Lễ kỷ niệm trọng thể 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để mở ra “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV vào năm tới mang lại sự đoàn kết không thể thiếu và động lực to lớn cho việc thực hiện “hai mục tiêu trăm năm” thành lập Đảng và thành lập nước.

Trên đây là nhận định của nhà báo Lăng Đức Quyền, nhà nghiên cứu về Việt Nam, nguyên Trưởng Cơ quan thường trú Tân Hoa xã tại Hà Nội, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau 50 năm thống nhất đất nước.

Nhà báo Lăng Đức Quyền, người vinh dự khi được chứng kiến và tham gia đưa tin về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Việt Nam với tư cách là phóng viên của Tân Hoa xã, cho biết 50 năm trước, quân và dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã phát động “Chiến dịch Hồ Chí Minh” lịch sử nổi tiếng và dẫn tới chiến thắng 30/4/1975.

Chiếc trực thăng cuối cùng của quân xâm lược Mỹ đã hoảng loạn bỏ chạy. Tổng thống ngụy quyền của chế độ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sự kiện này đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm của nhân dân Việt Nam.

Di chúc cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” đã thành hiện thực.

Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh cục bộ dài nhất và khốc liệt nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Cờ giải phóng tung bay trên Sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

Quân đội và nhân dân Việt Nam đã hưởng ứng quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu “giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.” Họ đã chiến đấu anh dũng, không sợ hy sinh và gian khổ phát động cuộc chiến tranh nhân dân chống xâm lược vĩ đại, nêu gương sáng ngời cho các lực lượng tiến bộ trên thế giới.

Theo nhà báo Lăng Đức Quyền, sự kiện này là một chiến thắng to lớn, một tượng đài lịch sử của nhân dân Việt Nam và đã trở thành tin tức nóng hổi trên các phương tiện truyền thông thế giới lúc bấy giờ.

Chiến thắng này viết nên một chương rực rỡ trong lịch sử đấu tranh chống đế quốc, chống xâm lược của dân tộc Việt Nam và thế giới. Việt Nam đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới do Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI khởi xướng.

Nhà báo Lăng Đức Quyền khẳng định Việt Nam đã trải qua một cuộc chuyển mình to lớn trong 50 năm kể từ ngày thống nhất, đánh dấu bằng Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI năm 1986, mở ra con đường cải cách và phát triển.

Việt Nam đã dần chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng từ cải cách kinh tế sang cải cách toàn diện.

Một dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Trong 50 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân hằng năm 6,37%, đứng đầu trong các nước Đông Nam Á.

Quy mô kinh tế và thực lực quốc gia của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, từ 6,3 tỷ USD năm 1989 lên 476,3 tỷ USD năm 2024, trở thành nền kinh tế lớn thứ 32 thế giới và là một trong 20 quốc gia hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Mức sống của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Những ngày đầu cải cách, thu nhập bình quân đầu người hằng năm chỉ đạt 250 USD, nhưng đến năm 2024 đã đạt 4.700 USD, đứng thứ 5 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển theo hướng tích cực, dân chủ xã hội chủ nghĩa không ngừng được mở rộng, quyền làm chủ đất nước của nhân dân được thực hiện tốt hơn.

Nhà báo Lăng Đức Quyền dẫn lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.” Theo ông, kết luận này đã khiến nhân dân Việt Nam rất tự hào và được đưa vào các văn kiện quan trọng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việt Nam đã gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình và đặt mục tiêu nâng tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 6,5-7,0% lên 8% và đạt mức tăng trưởng hằng năm 2 chữ số trong 5 năm tới. Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Liệu có thể đạt được những thành tựu lịch sử này không, nếu như không có sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam? Nếu không giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, liệu Việt Nam có được tình hình phát triển và triển vọng như hiện nay? Nhà báo Lăng Đức Quyền đặt câu hỏi nhưng cũng ẩn chứa trong đó hàm ý trả lời.

Theo ông, hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu, Việt Nam đang chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng nên việc tổng kết kinh nghiệm, xây dựng phương hướng để mở ra “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” có ý nghĩa rất quan trọng.

Dây chuyền chế biến gạo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu ở nhà máy của Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự đoàn kết đấu tranh của toàn dân tộc Việt Nam.

Kết hợp chính trị, quân sự, ngoại giao, phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại là một trong những kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc một cách sâu rộng, đồng thời ra sức tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ rộng rãi của thế giới. Nói theo cách hiểu ngày nay, điều này có nghĩa là phát huy sức mạnh nội tại và tranh thủ sức mạnh bên ngoài. Tất nhiên, các yếu tố bên ngoài phải tác động thông qua các yếu tố bên trong.

Trong gần 40 năm Đổi mới sau khi thống nhất đất nước, chính sách ngoại giao và quan hệ đối ngoại của Việt Nam cũng có những thay đổi to lớn.

Theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng chỉ đạo đối ngoại của Việt Nam trong thời đại mới là duy trì môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, tập trung xây dựng kinh tế, “thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, trở thành bạn và đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.”

Việt Nam nhấn mạnh “ý chí tự lực, tự cường là yếu tố quyết định cơ bản và lâu dài; sự hỗ trợ, giúp đỡ và nguồn lực từ bên ngoài là vô cùng quan trọng.”

Chế biến mặt hàng tôm đông lạnh phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Nhìn vào báo cáo kinh tế năm 2024 của Việt Nam, các số liệu thống kê rất ấn tượng: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 786 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 404,8 tỷ USD, nhập khẩu đạt 381,1 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 23,7 tỷ USD. Thành tựu này không thể tách rời khỏi vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trích dẫn lại số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, nhà báo Lăng Đức Quyền cho biết vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, mức cao kỷ lục. Tổng số vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh, đầu tư và mua cổ phần trong cả năm đạt gần 38,23 tỷ USD.

Dòng vốn nước ngoài đã tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam. GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Sự tăng trưởng này không chỉ phản ánh cải thiện chung của nền kinh tế mà còn cho thấy mức sống của người dân Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt.

Tình hình chính trị và kinh tế thế giới rất phức tạp và luôn thay đổi, với nhiều yếu tố bất ổn, khó lường. Giống như bất kỳ quốc gia nào khác, nền kinh tế Việt Nam cũng có những hạn chế, bất cập về thể chế, cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, nguồn nhân lực... và cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam tràn đầy khát vọng và niềm tin vào tầm nhìn phát triển. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ vượt 1.000 tỷ USD, trở thành đầu tàu kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á.

Đồng chí, bạn bè và đối tác của Việt Nam trên toàn thế giới đang tràn đầy kỳ vọng và mong đợi vào kế hoạch phát triển “kỷ nguyên mới” và các cơ hội hợp tác cùng có lợi của Việt Nam./.