Tinh gọn bộ máy: Tạo lợi thế phát triển cho Bắc Kạn và Thái Nguyên
Tỉnh Thái Nguyên mới - sau sắp xếp hợp nhất từ hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên hiện nay - có diện tích 8.375,21km2; dân số 1.799.489 người; trung tâm hành chính-chính trị tại tỉnh Thái Nguyên.
Sau khi phối hợp và thống nhất với tỉnh Bắc Kạn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thiện Đề án sắp xếp tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên.
Đây là hoạt động cần thiết để thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, giúp cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí quản lý nhà nước, từ đó tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Trước kia, hai tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên đã từng hợp nhất trong là 1 tỉnh có tên là Bắc Thái (năm 1965).
Năm 1996, Quốc hội khóa IX ban hành Nghị quyết tái lập tỉnh Bắc Kạn trên cơ sở tách ra từ tỉnh Bắc Thái. Từ năm 1997, tỉnh Bắc Kạn chính thức hoạt động trở lại với 6 đơn vị hành chính cấp huyện.
Đặc biệt, việc sắp xếp tạo lợi thế, không gian và dư địa cho cả hai tỉnh phát triển kinh tế-xã hội.
Thái Nguyên có thế mạnh về công nghiệp, giáo dục, đào tạo. Bắc Kạn có lợi thế về tài nguyên rừng, khoáng sản, thủy điện, du lịch.
Về công nghiệp, Thái Nguyên có ngành luyện kim, cơ khí, khi kết hợp với khoáng sản (sắt, chì, kẽm, đá vôi) ở Bắc Kạn sẽ tạo chuỗi sản xuất liên hoàn. Bắc Kạn có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất toàn quốc với diện tích lớn, khi sắp xếp có thể kết hợp với công nghiệp chế biến gỗ và nông sản ở Thái Nguyên.
Về khai thác khoáng sản, các mỏ than, vật liệu xây dựng ở Bắc Kạn có thể được khai thác hiệu quả hơn nhờ công nghệ và vốn từ Thái Nguyên.
Về giáo dục, đào tạo, y tế, Thái Nguyên có Đại học Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, khi sắp xếp, người dân Bắc Kạn được tiếp cận dịch vụ chất lượng cao hơn, các trường dạy nghề, trung tâm đào tạo có thể mở rộng sang Bắc Kạn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thực hiện sắp xếp còn giúp hai tỉnh bổ trợ cho nhau, phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, đầu tư cơ sở hạ tầng từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn, thúc đẩy phát triển đồng đều, tạo thêm dư địa phát triển kinh tế-xã hội cho cả hai tỉnh, sẽ hình thành một không gian phát triển thống nhất, kết hợp giữa thế mạnh công nghiệp-đô thị của Thái Nguyên với tiềm năng tài nguyên-sinh thái, nguồn lao động của tỉnh Bắc Kạn, tạo điều kiện thuận lợi để quy hoạch hạ tầng liên tỉnh hiệu quả hơn, thúc đẩy kết nối vùng.
Theo phương án sắp xếp, tỉnh Thái Nguyên mới gồm 4.853,25km2 diện tích, 365.318 người của tỉnh Bắc Kạn và 3.521,96 km2 diện tích, 1.434.171 người của tỉnh Thái Nguyên, trung tâm hành chính-chính trị tại tỉnh Thái Nguyên.
Tỉnh mới sau sắp xếp có diện tích 8.375,21km2 (đạt 104,69% so với tiêu chuẩn); 1.799.489 người (đạt 199,94% so với tiêu chuẩn).
Trước mắt, tỉnh mới tiếp nhận nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh và trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cả hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên.
Sau đó, cơ quan chức năng rà soát, sắp xếp, tổ chức lại toàn bộ các đơn vị sự nghiệp theo nguyên tắc: Một đơn vị sự nghiệp có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, bảo đảm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu gắn với cơ cấu lại, giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Về phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trước mắt tỉnh mới giữ nguyên số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiện có của hai tỉnh trước khi sắp xếp.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh sau khi sắp xếp là 12.068 người, số dự kiến tiếp tục công tác là 11.443 người.
Sau khi có quyết định giao biên chế của Trung ương, tỉnh sẽ thực hiện rà soát tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; giải quyết số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quy định hiện hành trong 5 năm kể từ khi thực hiện sắp xếp.
Căn cứ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của bộ máy trong hệ thống chính trị, tỉnh có thể bố trí tỷ lệ hợp lý số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc đồng thời tại trụ sở hành chính của tỉnh cùng sáp nhập và tại trung tâm hành chính-chính trị của đơn vị hành chính mới để bảo đảm công tác quản lý nhà nước tại các địa bàn; giảm áp lực về việc bố trí trụ sở cơ quan, đơn vị; giảm khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong giai đoạn đầu sáp nhập./.