Chuyên gia: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể đã “xong việc” tăng lãi suất
Theo CME FedWatch Tool, các nhà giao dịch gần như chắc chắn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp chính sách tháng 12 và sẽ không tiếp tục tăng lãi suất trong chu kỳ này.
Theo CNN, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không tăng lãi suất thêm nữa trong chu kỳ thắt chặt [tiền tệ] hiện tại, nhờ lạm phát đã hạ nhiệt.
Lãi suất đang ở mức cao nhất trong 22 năm sau khi Fed bắt đầu tăng tốc hồi tháng Ba năm ngoái trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Ngân hàng Trung ương hồi đầu tháng này đã giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp thứ hai liên tiếp, mang lại hy vọng rằng chiến dịch nhằm hạ nhiệt giá cả gần như đã kết thúc.
Sự lạc quan đó đã “nở rộ” trong tuần này, sau khi một loạt dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát đang tiếp tục chậm lại. Theo CME FedWatch Tool, các nhà giao dịch hiện gần như chắc chắn rằng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp chính sách tháng 12 và sẽ không tiếp tục tăng lãi suất trong chu kỳ này.
Cổ phiếu và trái phiếu đều tăng mạnh trong những ngày gần đây trong bối cảnh các nhà đầu tư vui mừng với các báo cáo dữ liệu yếu hơn dự kiến. Trong tuần, các chỉ số Dow Jones Industrial Average, S&P 500 và Nasdaq Composite đều đã tăng khoảng 2%.
Mặc dù diễn biến trên Phố Wall đã đi trước các động thái tiếp theo của Fed, các nhà đầu tư và kinh tế gia cho rằng điều đó có thể không xảy ra lần này.
“Thị trường đã hiểu đúng rằng Fed đã xong việc, lạm phát đang có xu hướng đi đúng hướng [và] nền kinh tế chỉ chậm lại một chút” - Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại LPL Financial, cho biết.
Dưới đây là bảng phân tích dữ liệu đã “thay đổi cuộc chơi” trong tuần này:
Lạm phát tiêu dùng: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,2% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 10, giảm từ mức 3,7% của tháng trước - theo dữ liệu do Cục Thống kê Lao động công bố hôm thứ Ba. Đây là tỷ lệ hằng năm thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
CPI lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - tăng 0,2% so với tháng trước. Mức tăng 4% hàng năm của thước đo lạm phát này là mức yếu nhất kể từ tháng 9/2021.
Theo Yardeni Research, so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 10 chỉ tăng 2% - phù hợp với mục tiêu của Fed, ngay cả khi các nhóm lạm phát còn lại vẫn chưa bắt kịp.
Lạm phát bán buôn: Chỉ số giá sản xuất trong tháng 10 cho thấy nhiều dấu hiệu lạm phát đang chậm lại, củng cố khả năng Fed tạm dừng [việc tăng lãi suất] trong một thời gian dài.
Lạm phát bán buôn của Mỹ giảm 0,5% so với tháng trước, giảm từ mức tăng 0,4% trong tháng Chín. Đây cũng là mức giảm hằng tháng mạnh nhất kể từ tháng 4/2020, khi đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế lao dốc.
Chỉ số này tăng 1,3% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 10, giảm so với mức tăng 2,2% của tháng trước.
Doanh số bán lẻ: Sau ba chuỗi dữ liệu kinh tế yếu đi, người Mỹ đang cắt giảm chi tiêu lần đầu tiên sau nhiều tháng. Đó là dấu hiệu cho thấy chi phí đi vay cao hơn có thể khiến nền kinh tế Mỹ chậm lại.
Doanh số bán lẻ - được điều chỉnh theo tính thời vụ nhưng không theo lạm phát - đã giảm 0,1% trong tháng 10 so với tháng Chín, ghi nhận mức giảm hằng tháng đầu tiên kể từ tháng Ba và trái ngược với tình hình chi tiêu mạnh mẽ trong mùa Hè.
Doanh số bán các mặt hàng xa xỉ như ôtô và đồ nội thất giảm mạnh đã khiến doanh số bán lẻ nói chung giảm xuống, mặc dù chi tiêu tại các nhà hàng và cửa hàng tạp hóa vẫn tiếp tục tăng.
Dĩ nhiên, dữ liệu trong một tháng chưa thể nói lên xu hướng.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khẳng định trong suốt chu kỳ thắt chặt của Fed rằng Ngân hàng Trung ương sẽ không tuyên bố “chiến thắng” cho đến khi lạm phát đạt đến mục tiêu lâu dài là 2%.
“Fed có lẽ sẽ không có ‘giọng điệu’ ôn hòa quá mức so với thông điệp tháng 11 và thực sự không muốn ‘nhấn phím tắt’ chỉ với dữ liệu của một tháng” - Yung-Yu Ma, Giám đốc Đầu tư tại BMO Wealth Management, cho hay.
Theo CME FedWatch Tool, các nhà giao dịch dự đoán việc cắt giảm lãi suất sẽ không bắt đầu trước tháng Ba tới và nhiều khả năng sẽ xảy ra vào tháng Năm.
Các nhà đầu tư và kinh tế gia nhận định rằng khó có khả năng Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ trừ khi điều kiện kinh tế xấu đi đáng kể và buộc Fed phải “ra tay.”
Ngân hàng Trung ương cũng có khả năng giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn nhằm tránh cắt giảm quá sớm - một sai lầm mà họ đã mắc phải vào những năm 1970, sau đó Fed đã tăng lãi suất đột ngột để kiềm chế lạm phát, “góp phần” gây ra các cuộc suy thoái liên tiếp dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao đến 10%.
Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM US, viết trong một ghi chú hôm thứ Ba: “Sẽ mất một thời gian… trước khi Fed có thể thoải mái thay đổi lập trường chính sách đó và cắt giảm lãi suất.”./.