Bài 5: Xanh hóa dệt may: Doanh nghiệp khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng
Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nếu doanh nghiệp dệt may không có chiến lược phát triển bền vững, sản xuất Xanh sẽ không thể tham gia vào chuỗi cung ứng và các thị trường lớn.
Là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, việc thích ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường, trong đó, định hướng về Kinh tế Xanh luôn là yếu tố tiên quyết để các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng.
Đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe
Nhiều năm qua, Tổng Công ty May 10 đã xây dựng lộ trình để ứng dụng công nghệ, chuyển đổi năng lượng nhằm đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu quốc tế.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 chia sẻ Xanh hóa trong hoạt động sản xuất không chỉ là yêu cầu đối với doanh nghiệp mà còn của toàn ngành trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 là giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới tiên phong cam kết phát triển bền vững với việc sản xuất Xanh, tạo ra các sản phẩm Xanh...
Hiện nay, tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm may mặc của May 10 đang chiếm khoảng 30-50%. Ðơn vị cũng liên kết với nhà sản xuất sợi, xử lý các sản phẩm dư thừa thành sợi tái chế, phục vụ sản xuất sản phẩm mới. Ngoài ra, môi trường làm việc tại các cơ sở đang đáp ứng các tiêu chuẩn nhà máy Xanh, an toàn cho sức khỏe của người lao động theo chứng chỉ LEED của Mỹ hoặc một số tiêu chuẩn của châu Âu.
"Bản thân May 10 đã chuyển dịch theo hướng Xanh hóa từ khoảng 5 năm trở lại đây bằng việc đầu tư các thiết bị sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện; đầu tư năng lượng tái tạo như điện Mặt Trời áp mái, chuyển hệ thống dùng lò hơi than sang nồi điện nhằm chống ô nhiễm không khí...," ông Thân Đức Việt nói.
Tương tự May 10, để thực hiện lộ trình Xanh hóa, năm 2015, Công ty Dệt may Thành Công đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh. Doanh nghiệp cũng đã đưa ra ba dòng sản phẩm chính, đó là dòng sản phẩm thân thiện với môi trường được tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, quần áo cũ... ; dòng sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống.
Trong giai đoạn cao điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, một số nhà nhập khẩu hủy đơn hàng thời trang nhưng bù lại, Dệt May Thành Công lại nhận được nhiều đơn hàng về khẩu trang kháng khuẩn, góp phần ổn định doanh thu, lợi nhuận. Sau giai đoạn đại dịch, những sản phẩm xanh tiếp tục giúp đơn vị có thêm cơ hội khi tiếp cận các khách hàng lớn.
Về phía Tổng Công ty Đức Giang, nắm bắt được xu hướng thị trường, đơn vị này và các thành viên cũng đầu tư, tạo ra các sản phẩm được sản xuất trong các nhà máy sử dụng năng lượng Mặt Trời, nguồn nước sạch và thân thiện với môi trường. Các sản phẩm thời trang của Đức Giang luôn được nghiên cứu, phát triển dựa trên các nguyên liệu tái chế, có nguồn gốc từ tự nhiên như sợi vải vỏ hàu, sợi vải càphê, sợi bạc hà... đã được khách hàng đón nhận, tin dùng.
Nói về nhu cầu “Xanh” hóa, Giám đốc thương hiệu thời trang Hera DG Ðặng Ngọc Lan cho biết tính trên toàn cầu, mỗi năm ngành thời trang tạo ra khoảng 92 triệu tấn phế liệu, là nguyên nhân hình thành những bãi rác quần áo khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Do đó, ngành thời trang cần đi theo hướng đi mới với nhận thức về tầm quan trọng của môi trường và an toàn sức khỏe.
“Xanh hóa” - tầm nhìn cho tương lai
Yêu cầu về bền vững và cạnh tranh đã thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chuyển đổi Xanh. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã định hướng phát triển bền vững từ nhiều năm trước.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết hiện nay các doanh nghiệp dệt may đang tập trung đầu tư, chuyển đổi công nghệ và thực hiện “Xanh hóa sản xuất.” Nhờ vậy, trong bối cảnh thị trường khó khăn như vừa qua, nhiều doanh nghiệp vẫn có đơn hàng, duy trì sản xuất.
Mặt khác, việc các doanh nghiệp tiếp cận năng lượng tái tạo, năng lượng Xanh đang giúp giảm chi phí sản xuất, tạo ra Chứng chỉ Xanh cho hàng hóa, nâng sức cạnh tranh trên trường quốc tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng dệt may một cách bền vững.
“Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự đồng hành của Chính phủ thông qua việc hỗ trợ các cơ chế, chính sách về tài chính, đất đai..., giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với mức ưu đãi để đẩy mạnh đầu tư, mua sắm các trang thiết bị phục vụ lộ trình Xanh hóa dệt may,” Chủ tịch Vitas kiến nghị.
Có thể thấy rõ xu hướng chuyển dịch Kinh tế Xanh đang là lợi thế đối với việc gia tăng thị phần cũng như thúc đẩy xuất khẩu. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nếu doanh nghiệp dệt may không có chiến lược phát triển bền vững, sản xuất Xanh sẽ không thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các hãng và sẽ không có đơn hàng.
Chính vì vậy, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã và đang làm việc với một số địa phương trên cả nước để xin chủ trương đầu tư, quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp có đầu tư ngành dệt nhuộm với tiêu chuẩn Xanh nhằm khép kín chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, đơn vị cũng tập trung phấn đấu giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng công nghệ mới, sử dụng lại 30% nước thải sau xử lý cho các công đoạn giặt, rửa, vệ sinh. Ðối với ngành sợi, sẽ sử dụng ít nhất 20% xơ polyester tái chế, 15% bông organic để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Vinatex cũng sẽ đầu tư điện Mặt Trời tại các nhà máy, phấn đấu 10%-20% lượng điện sử dụng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo...
Ông Hiếu cũng mong muốn Nhà nước có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường... để các doanh nghiệp theo hướng Xanh có thể tiếp cận quỹ, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính thuận lợi, giá hợp lý hơn, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế./.