Chứng khoán Âu-Mỹ đồng loạt đi xuống sau quyết định của ECB
Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,9% xuống 33.127,74 điểm, S&P 500 hạ 0,7% xuống 4.061,22 điểm, trong khi tại châu Âu chỉ số FTSE 100 của London giảm 1,1% xuống 7.702,64 điểm.
Chứng khoán Âu-Mỹ đồng loạt đi xuống sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng cao, trong khi đó những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng và kinh tế suy thoái tiếp tục “phủ bóng mây” lên thị trường.
Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,9% xuống 33.127,74 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 hạ 0,7% xuống 4.061,22 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,5% xuống 11.966,40 điểm.
Trong khi đó, tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 1,1% xuống 7.702,64 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,5% xuống 15.734,24 điểm trong khi chỉ số CAC 40 của Paris hạ 0,9% xuống 7.340,77 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,5% xuống 4.287,03 điểm.
ECB ngày 4/5 đã “nối gót” Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào cuộc họp tiếp theo.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng ECB có nhiều dư địa hơn trong việc chống lại lạm phát cao "ngất ngưởng" và cho biết sự thay đổi trong nhận định của ECB không phải là tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất.
[Chứng khoán diễn biến lình xình đầu phiên sau khi Fed tăng lãi suất]
Đồng euro, vốn đã giảm so với đồng USD sau thông báo trên, đã hồi phục trong một thời gian ngắn sau tuyên bố của bà Lagarde. Tuy vậy, đồng euro sau đó lại giảm sâu hơn.
Nhà kinh tế Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg cho biết ECB, bắt đầu tăng lãi suất muộn hơn Fed, có thể sẽ thực hiện thêm hai lần tăng lãi suất nữa, với mức tăng 0,25 điểm phần trăm/lần, vào tháng 6/2023 và tháng 7/2023.
Nhà phân tích Patrick O'Hare của trang phân tích thị trường chứng khoán Briefing.com (Mỹ) cho biết các nhà đầu tư chứng khoán bày tỏ sự thất vọng bởi họ muốn thấy Fed chuyển hướng để cắt giảm lãi suất, chứ không chỉ là tạm dừng tăng lãi suất.
Theo ông Patrick O'Hare, thị trường muốn "một sự thay đổi hoàn toàn" do lo ngại Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức dẫn đến hậu quả kinh tế tồi tệ. Tình hình sẽ càng nghiêm trọng khi cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ dự kiến sẽ khiến các điều kiện tài chính siết chặt hơn với việc hạn chế tín dụng.
Những lo ngại về tình trạng bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng đã nổi lên khi giá cổ phiếu của ngân hàng PacWest (Mỹ) giảm mạnh khoảng 50%. Động thái bán tháo cổ phiếu diễn ra sau các báo cáo cho thấy ngân hàng này đang cân nhắc khả năng bán hoặc các biện pháp huy động vốn khác sau sự sụp đổ gần đây của các ngân hàng quy mô trung bình khác.
PacWest đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư, khẳng định rằng họ không "gặp phải dòng tiền gửi bất thường" kể từ khi những lo ngại về ngành ngân hàng lần đầu tiên xuất hiện, và nguồn tiền mặt và thanh khoản khả dụng của ngân hàng này vẫn vững chắc.
Trong khi đó, giá cổ phiếu của ngân hàng Western Alliance cũng giảm khoảng 40%. Nhà phân tích Edward Moya của công ty tài chính OANDA dự báo sẽ có thêm nhiều ngân hàng phá sản với lãi suất quá cao.
Các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có thể không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ của Mỹ, gây ra tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng sớm nhất là vào ngày 1/6.
Tại Việt Nam, khép lại phiên 4/5, chỉ số VN-Index giảm 8,05 điểm, hay 0,81%, xuống 1.040,61 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng 0,67 điểm, hay 0,32%, lên 208,15 điểm./.