Quy hoạch điện VIII: Làm rõ tính khả thi về công nghệ, hiệu quả
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng bên cạnh việc cập nhập các số liệu sát với thực tiễn, nhu cầu phát triển, Bộ Công Thương cần tiếp tục làm rõ nguyên nhân khiến nhiều dự án điện chậm tiến độ.
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định kết quả rà soát, hoàn thiện Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), chiều 4/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đưa ra yêu cầu cần thiết đối với các cơ quan liên quan trong Quy hoạch điện VIII.
Theo đó, Quy hoạch điện VIII cần bổ sung những điểm mới về tư duy, tiến bộ khoa học-công nghệ để giải quyết thách thức đặt ra trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đánh thuế carbon với hàng hóa sản xuất sử dụng năng lượng hóa thạch…
Đây là xu thế tất yếu, cơ hội để Việt Nam hội nhập, chuyển đổi thành công nền kinh tế, tạo được ưu thế trên thị trường thương mại tự do, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết.
Làm rõ hơn tính khả thi về công nghệ, hiệu quả tổng thể
Phó Thủ tướng cho rằng Quy hoạch điện VIII đã đánh giá toàn diện thực trạng Quy hoạch điện VII, chỉ ra tồn tại, yếu kém từ chất lượng quy hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện, rút ra nhiều bài học về kỷ luật, kỷ cương, tính đồng bộ, trách nhiệm trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh việc cập nhập các số liệu sát với thực tiễn, nhu cầu phát triển, Bộ Công Thương cần tiếp tục làm rõ nguyên nhân khiến nhiều dự án điện chậm tiến độ, có giải pháp khắc phục.
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ hơn tính khả thi về công nghệ, hiệu quả tổng thể (nguồn điện, an toàn nguồn, truyền tải, phụ tải…), giải pháp và cơ chế đáp ứng nhu cầu sử dụng điện.
“Trong trường hợp nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng lên, cần có cơ chế phù hợp cho điện áp mái hoặc cơ chế sản xuất và tiêu thụ năng lượng tái tạo tại chỗ cho các doanh nghiệp sản xuất,” Phó Thủ tướng gợi mở.
Phân tích mục tiêu, giải pháp và điều kiện thực hiện trong Thỏa thuận về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam với các nước G7 và đối tác quốc tế, Phó Thủ tướng đề nghị cập nhật nội dung của JETP vào Quy hoạch điện VIII trên tinh thần, khi có công nghệ, phương pháp quản trị, chi phí giá thành phù hợp… sẽ thực hiện chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, đáp ứng nhu cầu nền kinh tế.
Nhấn mạnh quan điểm “đầu tư cho nguồn điện để dẫn đắt kinh tế, định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm kinh tế," Phó Thủ tướng cho rằng, Quy hoạch điện VIII phải có tiêu chí, công cụ để xác định kế hoạch chi tiết về lộ trình, địa điểm, nhu cầu sử dụng điện, dự án ưu tiên… dựa trên hiệu quả kinh tế; tính tối ưu tổng thể giữa nguồn, hạ tầng truyền tải và phụ tải; giải pháp tiêu thụ điện linh hoạt; sự phát triển các công nghệ mới…
[Sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII để khai thác lợi thế của Bình Thuận]
“Quy hoạch điện VIII phải đặt trong mối quan hệ tương tác với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, tích hợp trong quy hoạch sử dụng đất, có cơ chế lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, thu hút nguồn vốn đầu tư công, đầu tư tư (trong nước và nước ngoài) nhưng phải bảo đảm an ninh, quốc phòng," Phó Thủ tướng lưu ý.
Trong phát triển hạ tầng truyền tải, Phó Thủ tướng cho rằng cần thúc đẩy hợp tác công tư, “đầu tư công quản trị tư, đầu tư tư quản trị công," nghiên cứu phương án bán điện trực tiếp, bảo đảm an ninh năng lượng bằng nhiều nguồn, hạ tầng truyền tải điện.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương, ngành điện nghiên cứu sâu, bổ sung vấn đề liên quan đến chuyển đổi năng lượng công bằng kết hợp giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, công nghệ điện hạt nhân thế hệ mới... đồng thời có chính sách để các doanh nghiệp năng lượng lớn của Việt Nam thí điểm hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, từng bước làm chủ công nghệ, sản xuất thiết bị, hạ tầng truyền tải, hình thành “hệ sinh thái” công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh gắn với các khu công nghiệp tập trung, phát triển Việt Nam thành trung tâm năng lượng tái tạo trong trục truyền tải năng lượng tái tạo châu Á-Thái Bình Dương.
“JETP là giải pháp quan trọng về tài chính, công nghệ, là mục tiêu cần đạt được trong thực hiện Quy hoạch điện VIII," Phó Thủ tướng nói.
Từ các ý kiến của chuyên gia, lãnh đạo bộ, ngành tại cuộc họp, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương (đơn vị tư vấn) tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII thực tế, có cơ sở khoa học, điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, chính sách, quan tâm xử lý rác thải phát sinh từ các dự án năng lượng tái tạo.
Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia
Tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao tư duy đổi mới trong Quy hoạch điện VIII về phát triển các dự án năng lượng tái tạo ưu tiên sử dụng tại chỗ để giảm áp lực lên hệ thống truyền tải; quy hoạch mở trong phát triển các nguồn điện, trung tâm năng lượng ở những khu vực nhiều tiềm năng; lộ trình, tiêu chí loại bỏ các nhà máy nhiệt điện hiệu suất thấp, khả năng chuyển đổi kém.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng khi triển khai Quy hoạch điện VIII cần ưu tiên thúc đẩy các dự án chậm tiến độ nhiều năm; có chính sách ưu tiên về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ vốn… bảo đảm các dự án điện triển khai đúng tiến độ; sớm thực hiện quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi mà Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn so với các nước trong khu vực.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đóng góp ý kiến về định hướng nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân thế hệ mới, tính khả thi trong lộ trình thay thế điện than bằng năng lượng tái tạo, phương án hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh…
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công Thương, mục tiêu tổng quát phát triển điện lực nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đủ điện ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái.
Mục tiêu đề ra là phát triển đồng bộ các phân ngành điện lực đạt trình độ tiên tiến của khu vực; xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Tập trung phát triển công nghiệp chế tạo và dịch vụ phục vụ ngành Điện nhằm tăng cường nội lực, giảm giá thành; nâng cấp, xây dựng hạ tầng sản xuất, truyền tải, phân phối, điều hành điện thông minh, tiên tiến, hiện đại, có khả năng tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo.
Mục tiêu cụ thể, Quy hoạch điện VIII nhằm cung cấp đầy đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050. Tiêu chí kỳ vọng xác xuất mất tải 12 giờ/năm, tương ứng với độ tin cậy cung cấp điện đạt 99,86% (tương đương với các nước trên thế giới).
Tổn thất điện năng toàn hệ thống năm 2030 khoảng 6% và năm 2050 là 5%... Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; mức thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt 204-205 triệu tấn năm 2030 và khoảng 27-31 triệu tấn năm 2050; thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn, miền núi, đảm bảo mục tiêu 100% hộ dân có điện vào năm 2030…
Về cơ cấu nguồn điện, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện là 158.244 MW (không bao gồm xuất khẩu), trong đó thủy điện chiếm 18,5%, nhiệt điện than 19%, nhiệt điện khí trong nước 9,4%, nhiệt điện 14,2%, nhiệt điện gió trên bờ 13,8%, điện mặt trời 13% (được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất)…
Định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 490.500-573.100 MW, thủy điện chiếm 6,3-7,3%, không còn sử dụng than để phát điện, nhiệt điện sử dụng sinh khối 4,5-6,6%, điện gió ngoài khơi 14,3-16%...
Bộ Công Thương cũng đề xuất một số giải pháp thực hiện quy hoạch liên quan đến đảm bảo an ninh cung cấp điện; pháp luật và chính sách; bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai; khoa học và công nghệ; sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; hợp tác quốc tế; tăng cường năng lực trong nước, nội địa hóa thiết bị ngành điện, xây dựng phát triển ngành cơ khí điện; giá điện; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch…/.