Chủ tịch nước dự Kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng
Chủ tịch nước đề nghị Nhà xuất bản Kim Đồng tăng cường những xuất bản phẩm có giá trị nhân văn, giáo dục thế hệ trẻ, đóng góp xây dựng giá trị cốt lõi, nhân cách tốt đẹp cho thanh thiếu nhi Việt Nam.
Chiều 17/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự chương trình kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng (17/6/1957-17/6/2022).
Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành; các họa sỹ, nhà văn, nhà thơ; đông đảo các học sinh cùng các thế hệ cán bộ của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Trước khi tham dự buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan không gian trưng bày “Thành tựu 65 năm phát triển của Nhà xuất bản Kim Đồng” với nhiều hình ảnh, hiện vật tôn vinh các tác giả, tác phẩm tiêu biểu gắn với tên tuổi của Nhà xuất bản, thể hiện những dấu mốc phát triển của Nhà xuất bản qua từng thời kỳ, các hoạt động xã hội và hợp tác quốc tế nổi bật 65 năm qua. Không gian này đón độc giả tham quan từ ngày 20/6 đến 24/6 tới.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng là cột mốc quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với thế hệ trẻ. Song hành với các giai đoạn lịch sử của cách mạng, Nhà xuất bản Kim Đồng không ngừng phát triển về mọi mặt, năng động, sáng tạo, trở thành nhà xuất bản hàng đầu được trẻ em yêu thích nhất. Với hàng triệu trang sách xuất bản hàng năm, Nhà xuất bản Kim Đồng là một trong những đơn vị sự nghiệp công lập năng động, hiệu quả nhất trong ngành xuất bản của Việt Nam.
Trong đó, một số tác phẩm như An Dương Vương xây thành ốc, Dế mèn phiên lưu ký, Đất rừng Phương Nam, Kính vạn hoa, tập thơ Góc sân và khoảng trời hay bộ truyện tranh Doremon… đã trở thành những trang sách gối đầu giường, những trang sách thanh xuân, là người bạn đồng hành gắn bó thân thiết của lớp lớp các thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
[Sách mới giúp trẻ em nhận thức về tin giả, khủng bố, bất bình đẳng]
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Nhà xuất bản Kim Đồng đã tiếp cận, chuyển mình thành công trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi toàn bộ “ngành công nghiệp tri thức,” từ cách tiếp cận thị trường, quy trình xuất bản, cách thức xuất bản, phương thức đọc, tiếp nhận từ phía độc giả, công tác quản lý xuất bản.
Chủ tịch nước đề nghị trước những khó khăn, thách thức mới mang tính thời đại, Nhà xuất bản Kim Đồng cần có chiến lược phát triển đổi mới, sáng tạo; gắn liền với sứ mệnh của Nhà xuất bản trong giai đoạn tới; đem lại nhiều hơn nữa giá trị cho thanh thiếu niên, nhi đồng.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Nhà xuất bản Kim Đồng tăng cường những xuất bản phẩm có giá trị nhân văn, giáo dục thế hệ trẻ, đóng góp xây dựng giá trị cốt lõi, nhân cách tốt đẹp cho thanh thiếu nhi Việt Nam. Đó là lòng yêu nước, lòng hiếu thảo, tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc, truyền thống Việt Nam, niềm tin và khát vọng phát triển đất nước, những góc nhìn sâu hơn và rộng hơn, đa diện, phong phú hơn về tri thức và về cuộc sống.
Những sản phẩm văn hóa xuất bản mang đậm chất văn hóa, lịch sử Việt Nam. Cùng với đó là chuyển mình thành công từ xuất bản thời đại giấy trở thành mô hình xuất bản thành công thời đại số, giúp giảm giá thành để tiên phong mang trí thức đến với trẻ em nghèo không có điều kiện tiếp cận sách giấy giá thành cao.
Nhấn mạnh phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển trí thức, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, Chủ tịch nước nhắc nhở các cháu thiếu nhi chăm chỉ đọc sách, coi sách là người bạn đồng hành, người thầy cung cấp tri thức, hiểu biết để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò cơ quan chủ quản xuất bản, lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy sức mạnh hệ thống các cơ quan báo chí-xuất bản của Đoàn trong công tác truyền thông, phát động các phong trào, thúc đẩy, định hướng xây dựng văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi cả nước, đặc biệt quan tâm đến xây dựng văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, vùng hải đảo, biên giới./.