Tiếp tục khẳng định trách nhiệm, quyết tâm cao của QH trước cử tri

Chiều 16/6, sau gần 1 tháng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp.

Toàn cảnh Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 16/6, sau gần 1 tháng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp.

Chia sẻ quan điểm, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng kỳ họp vì đã hoàn thành nhiều nội dung quan trọng, khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội trước cử tri và nhân dân.

Kỳ họp thành công

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), đây là kỳ họp tập trung đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sau thời gian dài ứng phó với đại dịch COVID-19.

Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng và đề ra nhiều giải pháp căn cơ, thiết thực không chỉ cho năm 2022, mà cả cho giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Đại biểu cho biết kỳ họp được đồng bào, cử tri, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận trong và ngoài nước hết sức quan tâm, mong đợi và đã thành công tốt đẹp.

Điều cần nhấn mạnh tại kỳ họp này là số lượng các đại biểu Quốc hội đăng ký và phát biểu thảo luận tại Hội trường tăng mạnh so với kỳ họp trước. Các ý kiến phát biểu ngắn gọn, tập trung, có chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan, đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc ngày đêm, tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, cầu thị các ý kiến của đại biểu, bảo đảm hồ sơ trình Quốc hội với chất lượng cao nhất.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, tại kỳ họp này, Quốc hội đã giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.” Đây là giám sát chuyên đề đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV với phạm vi rộng, phức tạp, liên quan tới nhiều Luật, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của từng địa phương, của đất nước.

Việc lựa chọn chuyên đề này cho thấy sự đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội cũng như thể hiện trách nhiệm, phản ứng nhanh, linh hoạt của Quốc hội, chủ động giám sát để tháo gỡ ngay những vướng mắc trong thực tiễn. Căn cứ kết quả thảo luận, báo cáo kết quả giám sát và xem xét toàn diện, cân nhắc thận trọng các mặt, Quốc hội đã thống nhất rất cao ban hành Nghị quyết để thực hiện.

[Luật Sở hữu trí tuệ là công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội]

Đồng tình với quan điểm, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng với cường độ làm việc cao, Quốc hội đã giải quyết được khối lượng công việc rất lớn, theo quy trình chặt chẽ, đầy đủ, đúng Hiến pháp và pháp luật. Những vấn đề công tác nhân sự hay nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022… đều giải quyết thấu đáo, được đông đảo cử tri cả nước đồng tình ủng hộ.

Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội luôn bám sát thực tiễn đời sống; lắng nghe, gắn bó, liên hệ chặt chẽ với cử tri, nhân dân cả nước, chủ động từ sớm, từ xa, thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tế, hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận sự đóng góp hiệu quả, nhiệt tình và chuyên nghiệp, làm nên thành công kỳ họp của đội ngũ tham mưu, phục vụ từ công tác chuyên môn, hành chính, hậu cần, truyền thông, an ninh, y tế, báo chí...

Thực hiện quyết liệt những cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước

Quốc hội đã dành 2 ngày rưỡi tiến hành chất vấn đối với 3 Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có sự tham gia trả lời của các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các vị Trưởng ngành về các nhóm vấn đề: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận sôi nổi, đã làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn; đồng thời, thể hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri, sự nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, bám sát thực tiễn và lĩnh vực được chất vấn, đặt câu hỏi và tranh luận có chất lượng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng các Bộ trưởng trả lời chất vấn thể hiện tinh thần trách nhiệm, nắm chắc thực trạng lĩnh vực phụ trách, thẳng thắn trong giải trình làm rõ nhiều vấn đề, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể, có tính khả thi để khắc phục những bất cập, vướng mắc; qua đó có hướng giải quyết những bất cập, hạn chế trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý đã được chỉ ra trong quá trình chất vấn.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội giám sát việc thực hiện.

Một trong những vấn đề đại biểu tỉnh Hải Dương quan tâm là phát triển ngành nông nghiệp trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh vững.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn hiện nay mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp du lịch sinh thái đang là xu hướng mới của nền nông nghiệp Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong tích tụ, tập trung đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học-công nghệ, đặc biệt là quy hoạch vùng chuyên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Thái Quỳnh Mai Dung phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Nhiều đại biểu đánh giá cao chất lượng phiên thảo luận tại kỳ họp lần này, đã nêu ra và bàn thảo nhiều vấn đề thiết thực được cử tri cả nước quan tâm. Một trong những nội dung được nhiều ý kiến góp ý đó là việc kéo dài thời hạn thực thi Nghị quyết 42/2017/QH14. Tuy nhiên nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế này để việc gia hạn giúp nâng cao hiệu quả xử lý nợ...

Các đại biểu cho rằng thời gian qua, việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu đạt hiệu quả chưa cao ở một số địa phương. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương khác, chính quyền và ban, ngành, sở tại còn chưa quyết liệt, xem đây là việc riêng của ngành ngân hàng, dẫn đến gặp nhiều vướng mắc trong phối hợp xử lý.

Cùng đó, mặc dù công tác phối hợp giữa ngành công an và ngân hàng ngày càng chặt chẽ, song nhiều tổ chức tín dụng không hoặc hạn chế trong việc cung cấp thông tin tài liệu về nợ xấu; thời gian cung cấp thông tin rất chậm trễ… dẫn đến kết quả xử lý nợ chưa cao.

Theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) nhiều chính sách ưu việt, xác đáng nhất của Nghị quyết 42 vẫn chưa thực hiện, điển hình là chính sách áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tài sản đảm bảo vẫn chưa thực hiện được như mong đợi. Việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của tòa án để áp dụng thủ tục rút gọn còn khó khăn như việc thực hiện quy định về xác định công nợ, tài liệu về nơi cư trú của người bị kiện, do khi xảy ra nợ xấu, đa phần khách hàng trốn tránh, không hợp tác với tổ chức tín dụng để phối hợp xử lý.

Vì vậy, đại biểu Mai Dung cho rằng khi chưa có khuôn khổ pháp lý chắc chắn hơn, thì việc kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 là phù hợp, song nên xem xét cải thiện hơn về cách thức thực hiện để đảm bảo hiệu quả, tránh việc chỉ kéo dài mang tính hình thức. Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho rằng kỳ họp lần này đã đưa ra nhiều vấn đề “nóng” mang tính thời sự đang được dư luận quan tâm. Một trong những nội dung được cử tri hết sức ủng hộ, chính là bàn các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ngập úng tại các đô thị lớn mỗi khi mưa to.

Đại biểu đánh giá hiện tại, công tác dự báo thời tiết và các hiện tượng cực đoan được thực hiện bởi Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các bản tin đã được cập nhật liên tục với độ chính xác khá tốt. Trong thời gian gần đây, ngoài việc phối hợp với các đơn vị truyền thông, Trung tâm đã chủ động đưa thông tin dự báo, cảnh báo lên các phương tiện như Facebook, Zalo để cung cấp thông tin đến người dân.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dự báo, đặc biệt là dự báo mưa và sét, xây dựng các bản tin dự báo dễ hiểu, cập nhật liên tục qua nhiều phương tiện truyền thông hơn nữa. Hiện tại, mạng lưới radar của Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã được đầu tư khá tốt, cần phát huy mạnh năng lực dự báo mưa ngắn hạn. Hệ thống định vị sét cần được đầu tư nghiên cứu và xây dựng các ứng dụng, cung cấp thông tin dự báo phòng, chống các tai nạn do sét gây ra.

Các đại biểu cũng đánh giá cao sự chuẩn bị rất công phu từ các Ủy ban của Quốc hội cũng như sự phối hợp chặt chẽ từ Chính phủ, các bộ, ngành trong việc chuẩn bị báo cáo và các kết quả thẩm định của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Chất lượng các dự thảo tài liệu trình xin ý kiến Quốc hội tương đối tốt và đầy đủ.

Nhiều nguồn tài liệu tham khảo có giá trị, giúp đại biểu Quốc hội có nhiều nguồn thông tin để đóng góp, tham gia có chất lượng. Các ý kiến đóng góp tại các phiên thảo luật, chất vấn rất tích cực và sâu sắc với trình độ chuyên môn cao đối với các nội dung của kỳ họp…/.

Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)