Chủ quyền lương thực - lựa chọn cấp bách của các nước châu Phi
Mong manh và phụ thuộc, lục địa châu Phi mong muốn củng cố chủ quyền của mình, khi mà dân số đang tăng nhanh hơn sản lượng lương thực.
Bình luận về quyết tâm của các nhà lãnh đạo châu Phi trong việc củng cố chủ quyền lương thực của mình, tạp chí Le Point của Pháp cho rằng châu Phi chiếm tới 65% diện tích đất canh tác trên thế giới, cuối cùng thì lục địa này cũng đã nhận thức được sự cần thiết phải định hình lại nền nông nghiệp của mình và đưa ra chương trình hành động mới. Một sự nhận thức muộn màng, nhưng "muộn còn hơn không."
Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, lạm phát do xung đột ở Ukraine và do giá ngũ cốc, cùng giá năng lượng tăng cao đã khiến việc tìm kiếm khả năng tự cung tự cấp lương thực ở châu Phi trở thành một vấn đề cấp bách.
Mong manh và phụ thuộc, lục địa châu Phi mong muốn củng cố chủ quyền của mình, khi mà dân số đang tăng nhanh hơn sản lượng lương thực.
[Lúa lai được coi là chìa khóa giúp xóa đói tại khu vực châu Phi]
Vấn đề này đang là mối quan tâm trọng yếu của các nhà lãnh đạo và các tổ chức, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), đang đi đầu với một số sáng kiến.
"Đã đến lúc phải hành động để có được chủ quyền và khả năng phục hồi cho châu Phi," đó là lời kêu gọi mà Akinwumi Adesina, Chủ tịch AfDB đã đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt mới đây tập trung vào chủ đề: "Nuôi sống châu Phi: Chủ quyền lương thực và khả năng phục hồi," diễn ra tại Dakar Sénégal.
Vị chủ tịch người Nigeria này nói rằng: "Những gì châu Phi làm trong nông nghiệp sẽ quyết định nguồn lương thực của thế giới," đặc biệt khi mà "65% diện tích đất canh tác của thế giới là ở châu Phi."
Đây chính là cách để phát huy tiềm năng to lớn mà châu Phi đang có, để giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay, khi mà hơn 283 triệu người dân châu Phi đang phải chịu đói mỗi ngày.
Châu Phi cần làm chủ quỹ đạo nông nghiệp của mình
Nhiều quốc gia ở châu Phi như Sierra Leone, Zimbabwe... và dẫn đầu là Angola, đang trong tình trạng nguy cấp, đặc biệt là do lạm phát lương thực ở mức cao nhất trong một thập kỷ qua (+13,8% năm 2022 so với 12,9% năm 2021, theo AfDB).
Trước tình hình này, AfDB đã thông báo rằng họ sẽ phân bổ 10 tỷ USD trong vòng 5 năm tới cho phát triển nông nghiệp và chủ quyền lương thực trên lục địa châu Phi.
Khoản tài trợ này sẽ xoay quanh việc hỗ trợ trực tiếp trong cung cấp các đầu vào cho nông nghiệp và thực phẩm.
"Nông nghiệp phải trở thành nguồn dầu mỏ mới của châu Phi" và để làm được điều này, cần có "các biện pháp phù hợp và bền vững" để thu hút những người trẻ tuổi đến với các lĩnh vực này và hỗ trợ đáng kể cho người nông dân, đặc biệt là những người sản xuất nhỏ mà đa số họ là phụ nữ.
Đây chính là gợi ý mà Chủ tịch AfDB đưa ra để chia sẻ với các nguyên thủ quốc gia, cũng như đại diện của khu vực tư nhân, chủ trang trại, đối tác phát triển và lãnh đạo doanh nghiệp châu Phi.
Kịch bản tồi tệ nhất về một "nạn đói khủng khiếp," như Liên hợp quốc lo ngại, đã tránh được nhờ việc nối lại xuất khẩu của Ukraine vào mùa Hè vừa qua.
Nhưng theo cảnh báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực sẽ vẫn ở mức cao với những biến động lớn trong năm 2023. Do đó, châu Phi cần khẩn trương hành động.
Tổng thống Senegal Macky Sall chia sẻ rằng: "Trên con đường phát triển của châu Phi, có những vấn đề khiến hiện trạng của nền nông nghiệp không thay đổi, điều này sẽ tiếp tục khiến chúng ta phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và các nguy cơ về khí hậu. Nhưng với châu Phi, không phải là không có giải pháp."
Đối với ông, vấn đề chủ quyền lương thực đã "trở thành một nhu cầu cấp thiết" vào thời điểm các nước châu Phi "đang phải gánh chịu toàn bộ tác động tổng hợp của biến đổi khí hậu, đại dịch và một cuộc chiến tranh lớn."
Tổng thống Kenya, William Ruto, cũng bày tỏ sự đồng tình khi cho rằng: "Thật đáng tiếc là 60 năm sau khi chúng ta giành được độc lập, chúng ta mới cùng nhau thảo luận về cách để có thể tự nuôi sống mình. Chúng ta có thể và phải làm tốt hơn."
Ông Moussa Faki Mahamat, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi, với tầm nhìn xa hơn, coi an ninh lương thực là một vấn đề sống còn đối với lịch sử phát triển của châu Phi.
Ông nói: "Trong thời điểm hiện tại, chủ quyền về lương thực và dinh dưỡng phải là linh hồn của xu hướng tự do mới ở châu Phi, giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào biến động của thị trường và giá cả ngũ cốc. Làm sao chúng ta có thể coi mình là những người tự do khi chúng ta phụ thuộc vào thức ăn của người khác để sống?"
Đầu tư cho nông nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp
Đối với AfDB, những trở ngại đối với sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân nằm ở vấn đề cấu trúc (quy mô nhỏ của phần lớn các trang trại nông nghiệp, thiếu cơ sở hạ tầng và tài chính) và chu kỳ (biến động giá cả, gián đoạn chuỗi cung ứng, các cú sốc khí hậu).
Theo đánh giá của tổ chức này, nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng của ngành nông nghiệp châu Phi là từ 27-65 tỷ USD mỗi năm.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi Akinwumi Adesina nhận xét, chỉ đầu tư cho công nghệ là không đủ. Châu Phi cũng cần cơ sở hạ tầng, đường giao thông, năng lượng, kho chứa, thủy lợi. Khu vực cần thị trường, ngành công nghiệp thực phẩm, các chính sách hỗ trợ và tài trợ… Giờ là lúc châu Phi phải biến ý chí chính trị thành hành động quyết liệt.
Đối với Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari, trước tình hình giá nguyên liệu thô cơ bản như lúa mỳ và ngô tăng vọt, châu Phi phải "đẩy nhanh tiến độ" hướng tới các khoản đầu tư lớn hơn để có thể tự nuôi sống mình "hôm nay và trong tương lai."
Ngoài ra, ông ủng hộ việc tăng năng suất nông nghiệp của lục địa thông qua các cơ chế tài chính sáng tạo "để đảm bảo an ninh lương thực của lục địa và dừng phụ thuộc vào các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu."
Tại đất nước Nigeria của ông, Ngân hàng Phát triển châu Phi đã công bố một phần chiến lược của mình nằm trong chương trình "Feed Africa 2016-2025" - bao gồm phát triển các chuỗi giá trị tích hợp trong các "nông trường," để có được phần giá trị gia tăng lớn hơn.
Vài tháng trước, cùng với Abuja, AfDB đã khai trương các khu dành riêng cho doanh nghiệp nông nghiệp chế biến ở một số vùng.
Vị nguyên thủ quốc gia Nigeria cho biết: "Các khu dành riêng cho doanh nghiệp nông nghiệp chế biến là nhân tố làm thay đổi quá trình phát triển cơ cấu của các ngành nông nghiệp. Chúng sẽ giúp chúng tôi tạo ra của cải, phát triển cơ sở hạ tầng tích hợp xung quanh các khu chế biến nông sản này và gia tăng giá trị."
Trong những năm gần đây, toàn bộ châu Phi đã đặt cược vào những không gian này để tạo ra giá trị địa phương.
Nhưng làm thế nào để vượt qua các thách thức một cách bền vững khi các nước châu Phi nằm trong số những nước có sản lượng nông nghiệp thấp nhất và nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm vẫn chiếm hơn 46 tỷ USD mỗi năm?
Xét theo một nghĩa rộng, nông nghiệp chiếm một vị trí kinh tế và xã hội trung tâm, vì lĩnh vực này chiếm 23% GDP của lục địa và sử dụng gần 55% dân số lao động.
Người ta cũng ước tính rằng 70% người châu Phi sống ở khu vực nông thôn (gần 1 tỷ người) và 60% diện tích đất canh tác trên thế giới là ở châu Phi.
Tuy nhiên, hiện tại các nhà sản xuất châu Phi luôn là những người thua cuộc bất kể tình trạng của thị trường ra sao.
Lý do là nếu thị trường quá cao như hiện nay thì giá đầu vào không thể tiếp cận được, nhưng nếu giá bán quá thấp thì sản xuất của họ không có tính cạnh tranh.
Đây là lý do tại sao AfDB muốn đẩy nhanh các sáng kiến của mình để cung cấp cho các quốc gia khả năng thực hiện các chính sách cho phép có được các sản phẩm địa phương.
Ông Moussa Faki Mahamat chỉ ra: "Tôi không thể không nói đến sự do dự của các ngân hàng và các tổ chức tài chính, sự thiếu quan tâm của khu vực tư nhân do vẫn còn mơ hồ và thiếu tin tưởng đối với lĩnh vực nông nghiệp, sự hoài nghi của các bên liên quan đối với các mô hình sáng tạo và thành công của địa phương. Và tôi hy vọng AfDB sẽ là một tấm gương sáng, tạo ra dấu mốc quan trọng."
Tóm lại, châu Phi không thiếu các công cụ để phát triển, trong đó các công cụ được trích dẫn nhiều nhất là Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi, Chiến lược Malabo, Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (Zlecaf) và Chương trình chi tiết phát triển nông nghiệp châu Phi (CAADP). Đây là các yếu tố tổng hợp cho cuộc chiến lâu dài mà lục địa này đang tiến hành để đảm bảo chủ quyền lương thực của mình trong tương lai./.