Chính sách thương mại Mỹ "phủ bóng" triển vọng tăng trưởng kinh tế Nhật Bản

Trong khi Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 39.000 tỷ yen, chuyên gia ước tính một mức thuế bổ sung 10% của Mỹ có thể kéo giảm GDP thực của Nhật Bản 0,13 điểm phần trăm.

Nền kinh tế Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2025, nhờ vào chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ được thúc đẩy bởi chính sách tăng lương và các chính sách hỗ trợ của chính phủ nhằm giảm áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, triển vọng này đang bị phủ bóng bởi những rủi ro lớn, đặc biệt là từ chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shigeru Ishiba, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 39.000 tỷ yen (249 tỷ USD) cho tài khóa 2024, kéo dài đến tháng 3/2025.

Gói này bao gồm trợ cấp nhằm giảm chi phí năng lượng trong giai đoạn tháng 1-3/2025 và các khoản hỗ trợ tiền mặt một lần dành cho các hộ gia đình thu nhập thấp.

Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng tư nhân - yếu tố chiếm hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản - trong bối cảnh lương thực tế có thể tăng vào quý 2 năm 2025 nhờ giá năng lượng ổn định và các đợt tăng lương dự kiến trong kỳ đàm phán mùa Xuân.

Trong năm 2024, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đồng ý tăng lương trung bình 5,1%, mức cao nhất trong 33 năm qua.

Để duy trì động lực này, Liên đoàn Lao động Nhật Bản (Rengo) đặt mục tiêu yêu cầu tăng lương 5% hoặc cao hơn vào năm 2025, đặc biệt hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi chiếm khoảng 70% lực lượng lao động quốc gia.

Nhà kinh tế học Kenta Domoto thuộc Viện Nghiên cứu Mitsubishi nhận định xu hướng tăng lương sẽ còn tiếp tục khi các công ty phải cạnh tranh để thu hút và giữ chân nhân tài.

Dù có dấu hiệu khả quan, nhưng nền kinh tế Nhật Bản vẫn đối mặt với những rủi ro lớn từ chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Các chuyên gia lo ngại rằng việc tăng thuế nhập khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc và các quốc gia khác có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tác động tiêu cực đến Nhật Bản.

Nhà kinh tế Takafumi Fujita thuộc Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda cảnh báo bất kỳ hành động trả đũa nào từ Trung Quốc đối với Mỹ cũng có thể làm xấu đi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.

Ước tính, mức thuế bổ sung 10% của Mỹ có thể kéo giảm GDP thực của Nhật Bản 0,13 điểm phần trăm, trong khi các biện pháp đáp trả từ Trung Quốc có thể khiến GDP Nhật Bản giảm thêm 0,12 điểm phần trăm.

Ông Shunsuke Kobayashi, nhà kinh tế trưởng tại Mizuho Securities Co., nhận định rằng các chính sách giảm thuế của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể hỗ trợ kinh tế Mỹ và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại đây.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng nếu xuất khẩu sụt giảm do căng thẳng thương mại, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể phải giảm đầu tư và hạn chế tăng lương, gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2025, nhờ tăng lương và đầu tư doanh nghiệp vào các lĩnh vực chiến lược như phi carbon hóa, số hóa và cải thiện năng suất.

Tuy nhiên, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt khi kinh tế Trung Quốc và châu Âu còn nhiều bất ổn./.