Đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao đẩy giá vàng đi xuống

Thị trường hiện tập trung vào sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và tác động từ các chính sách của ông đối với triển vọng lãi suất năm 2025 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giá vàng thế giới đã giảm 0,1% trong một tuần lễ giao dịch rút ngắn vì nghỉ lễ Giáng sinh.

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 27/12, giá vàng đi xuống khi đà tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.

Thị trường hiện tập trung vào sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và tác động từ các chính sách của ông đối với triển vọng lãi suất năm 2025 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Kết thúc phiên 27/12, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 2.619,33 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,8%, xuống mức 2.631,90 USD/ounce.

Cũng trong phiên giao dịch cuối tuần 27/12, giá bạc giao ngay giảm 1,3% xuống 29,41 USD/ounce, giá bạch kim giảm 2,1% ở mức 916,30 USD/ounce, trong khi giá palladium giảm 1,2% xuống 913,71 USD/ounce.

Giá vàng “hạ nhiệt” ngay từ phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 23/12), chịu áp lực từ đà tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Ông Peter Grant, chiến lược gia cấp cao tại công ty môi giới kim loại quý Zaner Metals, cho biết thị trường đang tiếp tục đánh giá kết quả cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) vào tuần trước.

Ông cho rằng một lộ trình tăng lãi suất chậm hơn cho năm 2025 đang được tính đến và có thể sẽ có một khoảng dừng trong tháng Một, hoặc có thể cả tháng Ba. Trong bối cảnh vàng thường được hưởng lợi trong môi trường lãi suất thấp, các nhà đầu tư đang điều chỉnh lại kỳ vọng cho năm tới.

Trong năm nay, giá vàng đã tăng 28%, đạt mức cao kỷ lục 2.790,15 USD/ounce vào ngày 31/10, đánh dấu một năm tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 2010. Đà tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ hoạt động mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương, căng thẳng địa chính trị và việc nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng lớn.

Nhà phân tích Zain Vawda thuộc nền tảng phân tích thị trường MarketPulse của OANDA nhận định rằng một đợt tăng giá tương tự có thể xảy ra trong năm 2025, nhưng điều này phần lớn sẽ phụ thuộc vào các diễn biến địa chính trị. Nếu không có những bất ổn địa chính trị bất ngờ, giá vàng có thể sẽ ở mức khoảng 2.800 USD/ounce, do các rủi ro kéo dài và lo ngại về cuộc chiến thương mại.

Ông Michael Langford, Giám đốc đầu tư của công ty khai khoáng Scorpion Minerals, cho rằng một trong những yếu tố có thể tác động lớn tiếp theo đến giá vàng là việc ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ và các sắc lệnh mà ông có thể ban hành. Điều này có khả năng làm tăng thêm sự biến động của thị trường và có lợi cho giá vàng.

Với việc ông Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, các nhà đầu tư Mỹ đang chuẩn bị cho những thay đổi chính sách lớn trong năm 2025, bao gồm việc nới lỏng quy định, thay đổi chính sách thuế và thuế quan - những yếu tố có thể gây ra lạm phát.

Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Frank Watson, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Kinesis Money cho rằng, nếu thuế quan được thực thi, Fed sẽ có ít dư địa hơn để tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Sau phiên nghỉ giao dịch do lễ Giáng sinh, giá vàng tăng nhẹ trở lại trong phiên 25/12, dù khối lượng giao dịch vẫn thấp. Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, cho biết một phần nguyên nhân khiến giá vàng tăng là do xung đột “nóng lên” tại Ukraine.

Ông Pavilonis cũng nhận định rằng vàng vẫn sẽ được các ngân hàng trung ương mua vào, và khi lạm phát tiếp diễn, nhu cầu vàng của những người mua nhỏ lẻ cũng có thể tăng lên. Ông dự đoán giá vàng sẽ vượt mốc 3.000 USD/ounce vào năm 2025.

Trong khi đó, ông Ajay Kedia, Giám đốc Công ty thương mại hàng hóa Kedia Commodities ở Mumbai, cho biết năm 2025 sẽ là một năm biến động mạnh đối với vàng. Ông dự đoán giá vàng sẽ tăng trong nửa đầu năm do căng thẳng địa chính trị gia tăng và giảm vào nửa cuối năm do hoạt động chốt lời.

Chỉ số đồng USD đã tăng 4 tuần liên tiếp, làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với người nắm giữ những đồng tiền khác, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang dao động gần mức cao nhất kể từ ngày 2/5/2024.

Theo công ty nghiên cứu Capital Economics, nhu cầu vàng mạnh mẽ từ Trung Quốc và lo ngại dai dẳng về nguy cơ bất ổn định tài khóa được dự báo sẽ hỗ trợ giá vàng trong năm 2025, bất chấp những yếu tố truyền thống có thể gây áp lực giảm cho giá kim loại quý này.

Capital Economics nâng dự báo về đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ năm 2025 sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Do vậy, lẽ dĩ nhiên họ sẽ hạ dự báo về giá vàng.

Ông Maher nói: "Chúng tôi hiện dự kiến chỉ số đồng USD sẽ tăng khoảng 4% và lợi suất trái phiếu sẽ tăng nhẹ so với mức hiện tại vào năm 2025. Chỉ riêng điều này cho thấy giá vàng sẽ chịu áp lực giảm trong năm tới, xét đến mối quan hệ trái chiều điển hình giữa đồng USD, lợi suất trái phiếu và giá vàng."

Ông chỉ ra rằng lãi suất cao hơn thường là một trở ngại đối với nhu cầu đầu tư vàng vì chúng làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng, một tài sản không sinh lời. Tuy nhiên, ông cho biết đồng USD mạnh hơn và lợi suất cao hơn không nhất thiết có nghĩa là giá vàng chắc chắn sẽ giảm.

Nhu cầu vàng tại Trung Quốc, vốn là động lực chính thúc đẩy giá vàng tăng mạnh đầu năm 2024, được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2025.

Theo Capital Economics, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, lợi nhuận kém từ thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ khiến vàng trở thành lựa chọn đầu tư hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước này.

Người dân mua vàng trang sức tại cửa hàng ở Bhopal, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngoài ra, các ngân hàng trung ương cũng sẽ tiếp tục bổ sung vàng vào dự trữ quốc gia. Báo cáo của Capital Economics chỉ ra rằng những lo ngại về rủi ro tịch thu tài sản sau các lệnh trừng phạt kinh tế, như trường hợp của Nga năm 2022, đã thúc đẩy các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS, nhất là Trung Quốc và Nga, tăng cường nắm giữ vàng trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên, ông Maher cảnh báo rằng những thay đổi này có thể sẽ diễn ra chậm và tốc độ mua của các chính phủ có thể sẽ không duy trì ở mức cao như hiện nay.

Một yếu tố khác cũng hỗ trợ giá vàng là nỗi lo về tài chính công. Ông Maher nhận định niềm tin vào các đồng tiền pháp định đang suy yếu khi các chính phủ toàn cầu chưa có dấu hiệu kiểm soát nợ công. Ông nói: “Sự gia tăng nợ công và mối quan ngại về khả năng lạm phát cao sẽ củng cố vai trò của vàng như một công cụ phòng ngừa rủi ro."

Dù các yếu tố bất lợi như đồng USD mạnh và lợi suất trái phiếu cao có thể tạo áp lực lên giá vàng, Capital Economics dự báo giá vàng sẽ tăng nhẹ trong năm 2025, từ mức 2.650 USD/ounce lên khoảng 2.750 USD/ounce vào cuối năm 2025./.