Cần xem chứng nghiện thuốc lá như bệnh mạn tính để có thuốc phù hợp

Nhiều chuyên gia cho rằng cần tìm giải pháp lâu dài và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và đạt được sự hợp tác của người hút thuốc nếu xem chứng nghiện thuốc lá như bệnh mạn tính.

(Nguồn: Vietnam+)

Với người hút thuốc, thay vì để mặc họ chỉ có lựa chọn "cai thuốc hoặc là chết," các chuyên gia cho rằng cần xem chứng nghiện thuốc lá như một căn bệnh mạn tính. Do đó, cần tìm giải pháp lâu dài và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và đạt được sự hợp tác của người hút thuốc.

Cai thuốc thành công: Kỳ vọng so với thực tiễn

Phát biểu trong một hội thảo về thuốc lá mới đây, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, đã nhấn mạnh tuy khẳng định thuốc lá điếu độc hại thế nhưng ngành y tế cũng thừa nhận rằng cai thuốc lá là chuyện không dễ dàng.

Tại một tọa đàm tương tự, Thạc sỹ-bác sỹ Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học gia đình, Bệnh viện FV, cũng cho biết: "Có 90% người hút biết rõ tác hại của thuốc lá nhưng bỏ không được, một trong những lý do là nghiện nicotine và nghiện hành vi, thói quen hút thuốc."

[Chuyên gia: Cân nhắc giải pháp giảm tác hại thay thế thuốc lá điếu]

Cũng theo bác sỹ Phương, có 3 yếu tố khiến khó cai thuốc: Đầu tiên, ngoài nghiện nicotine, người hút thuốc còn bị lệ thuộc vào tâm lý và thói quen. Cầm, đốt, hút điếu thuốc lá đều là những phản xạ có điều kiện khó có thể "bẻ gãy." Những phản xạ này hình thành từ thói quen hút một điếu thuốc sau khi ăn cơm, khi gặp gỡ bạn bè, hay khi vừa ra khỏi máy bay…

Điều này lý giải vì sao các dược phẩm thay thế nicotine như nicotine dán, ngậm, xịt... đều thất bại. Từ năm 1985, khi FDA Hoa Kỳ bắt đầu chấp thuận các dược phẩm nicotine thay thế thì tỷ lệ cai thuốc lá thành công cũng không có sự thay đổi nào đáng kể, dù liệu pháp này được bán phổ biến khắp các siêu thị Mỹ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận, trên toàn cầu sẽ vẫn có hơn một tỷ người hút thuốc trước năm 2025, dù chiến dịch chống thuốc lá MPOWER đã được thúc đẩy trong nhiều năm qua.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc, đánh giá các giải pháp giảm tác hại bằng sản phẩm không khói. Mặc dù các sản phẩm này vẫn chứa nicotine, nhưng theo như Đại biểu Quốc hội Lan đánh giá, “giữa những cái hại thì nên chọn cái ít hại nhất.”

Cần xem nghiện thuốc lá là bệnh mạn tính để có giải pháp thực tiễn

Ngày 19/10 vừa qua, tại tọa đàm "Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng," Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho biết rất nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng đã thay đổi nhận thức, xem chứng nghiện thuốc lá như một bệnh mạn tính để điều trị phù hợp. Việc này sẽ là tiền đề để dẫn đến các hành động khác.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên. (Nguồn: Vietnam+)

Quan điểm này cũng trùng khớp với quan điểm của Phó Giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Trần Văn Ngọc tại một sự kiện trước đó. Theo bác sỹ Ngọc, việc tư vấn cai thuốc lá hoặc cung cấp giải pháp giảm tác hại của thuốc lá cho bệnh nhân là một điều cốt yếu trong phương pháp điều trị, cần sự chung tay từ gia đình, cộng đồng, cơ quan quản lý và ngành y tế.

Bác sỹ Ngọc cũng cập nhật trong y khoa hay cuộc sống, cách tiếp cận giảm tác hại gần như được áp dụng đối với mọi loại bệnh, không phải chỉ liên quan tới COPD, tim mạch hay ung thư phổi. Giảm tác hại dĩ nhiên là vẫn chưa triệt tiêu được hết các yếu tố gây hại, nhưng trong tình thế thì chúng ta cần áp dụng để cung cấp giải pháp thay thế.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Văn Ngọc. (Nguồn: Vietnam+)

Cũng tại tọa đàm 19/10 vừa qua, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 thì những sản phẩm mang yếu tố công nghệ như thuốc lá mới đáp ứng thị hiếu người dùng là một xu thế khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, Việt Nam lại đang tồn tại tình trạng các sản phẩm thuốc lá mới bị tội phạm buôn lậu lợi dụng, để cung cấp sai đối tượng là giới trẻ, dẫn đến những hệ lụy trong xã hội và gây lệch lạc thông tin khoa học về các sản phẩm này. Do vậy, cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật và công tác quản lý để bảo vệ sức khỏe người dùng, đặc biệt là người trẻ.

Nhắc lại Quyết định 568/QĐ-TTg 2023 của Thủ Tướng Chính phủ về Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống Tác hại của Thuốc lá đến năm 2030, ông Nguyễn Đức Kiên nhìn nhận: “Có thể thấy tinh thần của Chính phủ là tôn trọng thực tế khách quan nhưng cần có những biện pháp đồng bộ nhằm đảm bảo người dùng tiếp cận hàng chất lượng, đảm bảo không thất thu ngân sách của Nhà nước, quản lý thị trường và bảo vệ sức khỏe người dân Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ.”

Cũng tại tọa đàm trên, ông Vũ Công Thảo, Chuyên viên Cấp cao Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính phủ, cho rằng để quản lý các sản phẩm này, cần tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và trong nước. “Thuốc lá mới tác hại như thế nào đến người sử dụng, đến thế hệ trẻ thì cần phải đánh giá có chiều sâu và thực tế hơn. Cần có những nhà khoa học tham gia vào lĩnh vực này,” ông Thảo kiến nghị./.

(Vietnam+)