Cần làm gì để hạn chế những vụ việc đau lòng liên quan đến trẻ em?
Thực tế, có nhiều vụ án đau lòng khi chính người thân, cha mẹ của trẻ đã sát hại con em của mình vì nhiều lý do khác nhau như mâu thuẫn vợ chồng, tình cảm, làm ăn thua lỗ...
Những ngày đầu tháng Chín vừa qua, cùng với không khí nô nức của hàng triệu trẻ em bước vào Năm học mới, chúng ta cũng phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng ở nhiều nơi trên cả nước liên quan đến trẻ em, thậm chí có em chịu cái chết oan uổng vì những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan đến từ người thân hay bất cập trong công tác quản lý...
Trước những nỗi đau xé lòng hiển hiện mỗi ngày, hơn bao giờ hết, cả hệ thống chính trị, bắt đầu từ cơ sở, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ an toàn cuộc sống của trẻ em.
Vì cuộc sống, mưu sinh, nhiều bậc cha mẹ phải để những đứa con của mình ở nhà một mình. Rồi hiểm họa xảy ra bất chợt, cướp đi sự sống của các em.
Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại về tài sản và làm nhiều trẻ em thiệt mạng khi ở nhà một mình. Qua quá trình điều tra, nguyên nhân đa phần là do người thân khóa trái cửa khi hỏa hoạn xảy ra, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc.
Điển hình như vào lúc 3 giờ 23 phút ngày 11/9 tại nhà dân (số 204/44 đường Thống Nhất, phường 10, quận Gò Vấp) xảy ra hỏa hoạn làm cháy toàn bộ căn nhà gồm 1 trệt (diện tích khoảng 10m2) và gác gỗ kèo sắt (diện tích khoảng 8m2) và chết 2 trẻ nhỏ.
Vụ cháy xảy ra khi ba mẹ khóa trái cửa đi chợ Bình Điền mua cá về bán lúc đêm khuya.
Tương tự, một vụ cháy xảy ra lúc 16 giờ 22 ngày 23/7 ở nhà dân tại tổ 14, ấp 6C, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh làm 2 trẻ tử vong. Ba mẹ đi làm sớm, khóa trái cửa để lại 6 trẻ nhỏ ngủ bên trong, cháu lớn nhất chỉ 10 tuổi cùng 5 em nhỏ.
Ngoài ra, đáng lên án hơn nữa là có nhiều vụ án đau lòng khi chính người thân, cha mẹ của trẻ đã sát hại con em của mình vì nhiều lý do khác nhau như mâu thuẫn vợ chồng, tình cảm, làm ăn thua lỗ...
Tối 11/9, đối tượng Nguyễn Tiến Lưu (38 tuổi, trú khu phố 3, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) bị bắt để điều tra về nghi án sát hại con gái ruột. Nạn nhân là cháu N.T.T.N., 10 tuổi.
Chỉ vì mâu thuẫn với vợ, Nguyễn Tiến Lưu đã nhẫn tâm dùng tay bóp cổ cháu N.T.T.N. đến chết rồi chụp hình gửi lên nhóm zalo của công ty nơi 2 vợ chồng cùng làm việc.
Một sự việc đáng tiếc khác xảy ra ở xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa vào ngày 23/8, chính người chồng, người cha đã hạ độc đối với vợ và 3 con của mình, trong đó có hai cháu còn nhỏ.
Làm việc với Cơ quan Điều tra, đối tượng Hồ Xuân Hải khai nhận do làm ăn thua lỗ nên nảy sinh ý định đầu độc để cả gia đình cùng chết. Hải đã đi mua bình khí CO, khi vợ con ngủ say thì xả khí độc này vào phòng.
Mới đây, vào trưa ngày 11/9, tại thành phố Long Xuyên (An Giang), đối tượng Huỳnh Hồng Hải đã ném cháu K. (sinh năm 2019), con của người yêu cũ của Hải, xuống sông Rạch Giá-Long Xuyên.
Rất may, cháu K. đã được hai cha con ông Bùi Ngọc Thọ (sinh năm 1960, trú thành phố Cần Thơ) đang điều khiển ghe (thuyền máy) chở lúa trên sông Rạch Giá-Long Xuyên đã phát hiện và kịp thời cứu sống.
Trên đây chỉ là một số vụ việc đáng tiếc liên quan đến trẻ em vừa mới xảy ra. Đâu đó hàng ngày, chúng ta lại nghe được các thông tin như học sinh bị đuối nước, trẻ bị hành hung, bé sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em bị tai nạn giao thông… Gần đây nhất, rạng sáng 13/9, vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã cướp đi 56 sinh mạng, trong đó có nhiều trẻ em.
[29 học sinh là nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân]
Những vụ việc trên, dù bất kỳ lý do nào, những người liên quan trực tiếp cũng sẽ bị pháp luật trừng trị, phán xử một cách thích đáng, song bên cạnh đó còn là những nỗi đau giằng xé về thể xác, tinh thần của những người ở lại.
Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan cũng như các địa phương và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền trẻ em. Hệ thống pháp luật, các chương trình, đề án liên quan đến trẻ em đều khẳng định vai trò chủ thể độc lập của trẻ em trong xã hội, dành cho trẻ em mọi ưu tiên, mọi sự che chở, bảo vệ cao nhất.
Luật Trẻ em 2016 quy định rõ về quyền của của trẻ em. Cụ thể, trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển (Điều 12 - Quyền sống). Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện (Điều 15 - Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng). Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em (Điều 22 - Quyền được sống chung với cha, mẹ).
Mặt khác, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em (Điều 27 - Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc).
Tại Điều 100 Luật Trẻ em đề cập đến việc bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Trong đó, ở điểm a, khoản 1 nêu rõ: cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm: trau dồi kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại.
Theo Luật định, tháng 6 hằng năm được chọn là Tháng hành động vì trẻ em để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em. Và mỗi năm, Tháng Hành động Vì Trẻ em đều có những thông điệp khác nhau, như năm 2023 với chủ đề "Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em."
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người luôn dành tình thương bao la đối với trẻ em, coi tất cả trẻ em như con của mình, đã từng căn dặn: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân” hay “Trước hết các gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy… Ủy ban Thiếu niên, Nhi đồng, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu càng ngày càng khỏe mạnh và tiến bộ. Các Tỉnh ủy, Thành ủy cần phải phụ trách đôn đốc việc này cho có kết quả tốt."
Cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội, từng gia đình đã và đang dành mọi điều kiện tốt nhất cho trẻ em phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những câu chuyện đau lòng xảy ra với trẻ em. Vì vậy, xây dựng không gian, môi trường sống an toàn cho trẻ em ở bất cứ ở đâu, thời điểm nào là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền sống của trẻ em, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ; tăng cường phổ biến kiến thức và kỹ năng an toàn cho trẻ, nhất là trong phòng cháy chữa cháy, bảo vệ bản thân cho trẻ nhỏ. Từng gia đình cần quan tâm hơn nữa đến sự an toàn của con em của mình, tạo dựng cho các em có cuộc sống hạnh phúc, phát triển toàn diện. Cùng với đó, phải xử lý nghiêm các đối tượng có các hành vi xâm phạm đến các quyền, cuộc sống của trẻ em.
Không thể biện minh mãi cho những hành động mù quáng, bốc đồng nhất thời cũng như sự sơ suất, thiếu quan tâm của cha mẹ và người thân dẫn đến những vụ việc đáng tiếc, thậm chí tước đi quyền sống của trẻ em. Cả hệ thống chính trị, gia đình, cộng đồng xã hội cần chung tay hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác bảo vệ trẻ em./.