Mô hình độc đáo thúc đẩy quyền và tiếng nói của trẻ em
Thí điểm triển khai từ năm 2017, đến nay, mô hình Hội đồng trẻ em đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, góp phần quan trọng trong thúc đẩy quyền và tiếng nói trẻ em.
Lần đầu tiên được bước chân vào tòa nhà Quốc hội với vai trò là đại biểu của Quốc hội trẻ em - mô hình Quốc hội giả định, được nói lên tiếng nói đại diện cho mong muốn, khát vọng của trẻ em, Thanh Thảo, học sinh lớp 9, người dân tộc H’Mông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trẻ em huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang bảo đây là điều trước đó em chưa từng nghĩ tới.
Khẳng định tiếng nói trẻ em
Thanh Thảo cho hay với những học sinh miền núi và người dân tộc thiểu số như em, nơi có điều kiện sống khó khăn thiếu thốn hơn khu vực miền xuôi và phần lớn các gia đình, cha mẹ chưa có kiến thức cũng như chịu ảnh hưởng của những định kiến, tục lệ lâu đời thì mô hình Hội đồng Trẻ em càng có ý nghĩa lớn hơn.
Đến với Quốc hội Trẻ em, Thảo mong muốn nêu lên các vấn đề nổi bật là tai nạn thương tích, đuối nước, ngộ độc thực phẩm, xâm hại, bạo lực đang ảnh hưởng tới nhiều trẻ em, cả ở địa phương em cũng như những nơi khác.
Giống như Thanh Thảo, Mai Nhi, người dân tộc Tày, học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, Thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, cũng đang nỗ lực tham gia Hội đồng Trẻ em với vai trò thành viên hội đồng cấp tỉnh.
[“Quốc hội trẻ em”: Tập trung thảo luận nhiều vấn đề trẻ em quan tâm]
"Trong quá trình gặp gỡ các bạn thiếu nhi khác, em đã được nghe các câu chuyện về việc các bạn đã bị bạo lực, xâm hại, bị tảo hôn. Những câu chuyện đó đã giúp em hiểu thêm về hoàn cảnh của các bạn địa phương mình và viết thành những bài báo cáo gửi về tỉnh Đoàn để thảo luận và đưa ra những ý kiến, giải pháp đề ra với các bác lãnh đạo địa phương,” Mai Nhi chia sẻ.
Theo chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương, mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giao Hội đồng Đội Trung ương xây dựng và triển khai thí điểm từ năm 2017, thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 3/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020.
Từ đó đến nay, mô hình đã không ngừng phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó đặc biệt là lần đầu tiên tổ chức thành công Quốc hội trẻ em - mô hình Quốc hội giả định nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của chính trẻ em.
Tham gia Hội đồng trẻ em, các em được tìm hiểu sâu hơn về Luật trẻ em, được trang bị kiến thức về quyền và bổn phận của trẻ em, rèn luyện kỹ năng trên nhiều phương diện khi thực hiện vai trò người đại diện tiếng nói trẻ em. Theo đó, các em có nhiệm vụ tiếp xúc, tìm hiểu, nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng của các bạn cùng lớp, ở trường, ở địa phương, từ đó tổng hợp, trao đổi với các thành viên khác trong hội đồng và đề xuất các mong muốn, nguyện vọng của trẻ em cũng như kiến nghị các giải pháp đến lãnh đạo địa phương.
Cơ hội trang bị kiến thức và kỹ năng hưu ích
Được đại diện cho tiếng nói trẻ em Hà Giang tại phiên họp Quốc hội Trẻ em để nói lên những suy nghĩ, ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, Mai Nhi bảo em cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào. “Khi được được các bạn tin yêu, tín nhiệm, em thấy mình cần phải có trách nhiệm cố gắng hơn nữa, trau dồi kiến thức để xứng đáng đại diện cho tiếng nói trẻ em toàn tỉnh,” Mai Nhi chia sẻ.
Cũng theo Mai Nhi, dù mới tham gia Hội đồng trẻ em từ năm 2022 nhưng thông qua các hoạt động trong Hội đồng, em đã dần trưởng thành từng ngày. Việc tiếp xúc với nhiều bạn nhỏ với nhiều hoàn khác nhau cũng giúp em hiểu hơn giá trị của cuộc sống.
Với Y Nguyên, người dân tộc Mơ Nâm, học sinh lớp 9 tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Hiếu, huyện KonPlong, tỉnh Kon Tum, Chủ tịch Hội đồng Trẻ em huyện Kon Plong, việc tham gia Hội đồng Trẻ em đã mang lại cho em cơ hội trang bị rất nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích.
Sinh ra và lớn lên ở nơi có 99,9% là người dân tộc thiểu số, nơi trình độ dân trí còn hạn chế với nhiều định kiến, đặc biệt là định kiến về giới, lại phải đi học cách nhà hơn 10km, nhưng Y Nguyên vẫn không ngừng nỗ lực kiên trì trong học tập và tích cực tham gia các hoạt động ở trường.
Em là thành viên Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi, mô hình hoạt động tại trường Trung học cơ sở xã Hiếu của Plan International [một tổ chức quốc tế hoạt động tại 75 quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực quyền trẻ em, trong đó có Việt Nam]. Tháng 6/2023, khi biết Huyện Đoàn KonPlong phối hợp với tổ chức Plan thành lập Hội đồng Trẻ em cấp huyện, Y Nguyên đã được các bạn và nhà trường tín nhiệm giới thiệu.
“Ban đầu, em chưa thực sự tự tin trong công việc của mình. Tuy nhiên, thông qua các buổi sinh hoạt, các buổi tập huấn về kỹ năng của huyện đoàn KonPlong kết hợp với dự án Plan thực hiện, em đã tự tin hơn, có kiến thức và kỹ năng hơn, cảm thấy những gì trải qua vô cùng bổ ích,” Y Nguyên nói.
Với những kiến thức và kỹ năng được trang bị, Y Nguyên chia sẻ lại với những người bạn của mình về thế nào là bình đẳng giới, thế nào là định kiến xã hội… để cùng nhau nâng cao kiến thức về quyền trẻ em trong cộng đồng trường học, địa phương mình.
Cô gái Tây Nguyên bảo em mơ ước trở thành một cán bộ thật giỏi về công tác bảo vệ trẻ em, để có thể giúp các bạn nhỏ tại quê hương cũng như các bạn ở địa phương khác được học tập và sống trong môi trường an toàn lành mạnh.
Chứng kiến từng bước trưởng thành của cô học trò nhỏ, thầy Dương Văn Phúc, giáo viên phụ trách đoàn đội Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Hiếu vẫn nhớ dáng vẻ nhút nhát của Y Nguyên lúc mới vào trường. Nhưng thông qua từng hoạt động trong câu lạc bộ của trường, em đã mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, năng động hơn.
“Tham gia Hội đồng Trẻ em của huyện, Y Nguyên rất hào hứng và luôn chia sẻ những điều hay, những điều bổ ích cho các bạn, góp phần nâng cao hiểu biết cho học sinh trong trường về quyền trẻ em,” thầy Phúc nói./.