Campuchia khẳng định quyết tâm về một thế giới không có bom mìn

Thủ tướng Hun Manet cho biết trong thời đại xung đột vũ trang và đối đầu địa chính trị leo thang, cần nhận thức rõ sự tàn phá dai dẳng do những vũ khí hủy diệt gây ra, đặc biệt là mìn sát thương.

Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet chủ trì phiên khai mạc. (Ảnh: AKP/TTXVN phát)

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, Hội nghị thượng đỉnh Siem Reap-Angkor về một thế giới không có bom mìn đã chính thức khai mạc sáng 25/11 tại tỉnh Siem Reap (Tây Bắc Campuchia), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Samdech Thipadei Hun Manet.

Hội nghị thu hút khoảng 700 đại biểu đến từ hơn 150 quốc gia và đối tác của Công ước quốc tế về cấm mìn sát thương (Công ước Ottawa).

Bộ Ngoại giao Việt Nam cử đại diện tham dự hội nghị.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Hun Manet cho biết trong thời đại xung đột vũ trang và đối đầu địa chính trị leo thang, cần nhận thức rõ sự tàn phá dai dẳng do những vũ khí hủy diệt này gây ra, đặc biệt là mìn sát thương.

Những thiết bị sát thương này vẫn tiếp tục gây thiệt hại cho người dân vô tội, mặc dù các cuộc chiến đã chấm dứt.

Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh hội nghị lần này là cơ hội quan trọng để suy ngẫm, giải quyết những thách thức mới nổi và vạch ra một tương lai đảm bảo vai trò và sự thành công không ngừng của Công ước Ottawa trong thế giới đầy biến động.

Đất nước Chùa Tháp, nơi có di sản đền Angkor Wat nổi tiếng, đã chứng kiến nhiều thảm kịch bi thương, gồm một loạt các vụ đánh bom rải thảm, diệt chủng và nhiều thập kỷ nội chiến.

Hàng triệu người Campuchia đã thiệt mạng, trong khi hàng nghìn km2 đất Campuchia ngập đầy bom mìn và các vật liệu nổ khác còn sót lại sau chiến tranh.

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Siem Reap-Angkor về một thế giới không có bom mìn. (Ảnh: AKP/TTXVN phát)

Bộ trưởng cấp cao Campuchia phụ trách các công tác đặc biệt kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Cơ quan Quản lý hành động bom mìn và Hỗ trợ nạn nhân bom mìn của Campuchia (CMAA) Ly Thuch cho biết hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội phản ánh quyết tâm của Campuchia trong việc xóa bỏ những tàn dư tàn khốc và dai dẳng của bom mìn trên thế giới.

Bộ trưởng cấp cao Ly Thuch nêu rõ hội nghị không chỉ là cuộc gặp giữa các quốc gia mà còn là sự tái khẳng định về cam kết chung vững chắc đối với hòa bình, nhân phẩm và tình đoàn kết.

Bộ trưởng Ly Thuch nêu rõ: “Cùng nhau, chúng ta đang đứng trước ngã 3 đường của lịch sử, nơi những ký ức đau thương về xung đột đang được thay thế bằng một tương lai được xây dựng dựa trên hy vọng và hòa bình.”

Theo ông Ly Thuch, trong 25 năm qua, Công ước Ottawa là ngọn hải đăng hy vọng cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

Công ước đã cứu sống, khôi phục cộng đồng và giúp các gia đình có lại được tương lai. Công ước cũng đã làm được nhiều hơn thế nữa khi đưa thế giới lại gần nhau hơn trong một sứ mệnh chung là bảo vệ sự sống.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP), bà Armida Salsiah Alisjahbana, cho biết Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chúc mừng Campuchia đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này vì những tiến bộ đầy cảm hứng của Campuchia trong việc xóa bỏ mối đe dọa về bom mìn.

Hội nghị thượng đỉnh Siem Reap-Angkor về một thế giới không có bom mìn được tổ chức tại tỉnh Siem Reap, Tây Bắc Campuchia. (Ảnh: AKP/TTXVN phát)

Bà Alisjahbana cho biết bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của mình và cử các chuyên gia rà phá bom mìn tới các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Campuchia đang chứng minh rằng hành động rà phá bom mìn có thể xây dựng hòa bình lâu dài.

Bà Alisjahbana nêu rõ mìn sát thương là mối nguy hiểm hiện hữu đối với dân thường. Ngay cả sau khi chiến sự chấm dứt, những vũ khí tàn khốc này vẫn có thể tồn tại, khiến nhiều thế hệ người dân phải sống trong sợ hãi.

Bà tuyên bố Công ước Ottawa đang được thảo luận ngày hôm nay đại diện cho cam kết nhằm chấm dứt tàn dư của bom mìn.

Trong 25 năm qua, Công ước Ottawa đã thúc đẩy những tiến bộ quan trọng, với hơn 55 triệu thiết bị nổ bị phá hủy trên 13.000km2 tại hơn 60 quốc gia và hàng nghìn người được giáo dục nâng cao nhận thức về cứu sinh và các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân./.