Diễn đàn IPTP-11 tại Phnom Penh đề cao thông điệp hòa bình, hòa giải và bao dung

Với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”, diễn đàn lần này quy tụ 275 đại biểu đến từ 53 quốc gia, là lãnh đạo nghị viện, nghị sỹ các nghị viện thành viên, các tổ chức nghị viện khu vực...

Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet phát biểu tại phiên khai mạc IPTP-11, ngày 23/11/2024. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Ngày 25/11, tại thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, diễn ra phiên bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện quốc tế vì bao dung và hòa bình (IPTP-11) dưới sự chủ trì của Samdech Moha Rathsapheathika Thipadei Khuon Sudary, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch IPTP-11.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, diễn ra từ 23-26/11, diễn đàn IPTP-11 do Quốc hội Campuchia đăng cai tổ chức với nhiều chương trình nghị sự đã khép lại với cam kết cùng nỗ lực cho sứ mệnh hòa bình, hòa giải, bao dung, cùng tồn tại và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.

Với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”, diễn đàn lần này quy tụ 275 đại biểu đến từ 53 quốc gia, là lãnh đạo nghị viện, nghị sỹ các nghị viện thành viên, các tổ chức nghị viện khu vực, thế giới và khách mời, đối tác.

Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn dẫn đầu tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc IPTP-11 với tư cách khách mời đặc biệt của chủ nhà Campuchia.

Theo chương trình nghị sự, IPTP-11 được chia thành hai phiên thảo luận chuyên đề bao gồm “Thúc đẩy cấu trúc toàn cầu vì hòa bình, xây dựng hòa bình, hòa giải và bao dung: Sức mạnh tổng hợp của chính phủ, nghị viện và xã hội dân sự” và “Củng cố chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đối tác cùng tồn tại và kết nối bao trùm.”

Tại các phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hòa bình, hòa giải và bao dung thông qua một cấu trúc thống nhất trong xây dựng hòa bình và hợp tác phát triển bởi các quốc gia yêu chuộng hòa bình và các bên liên quan; nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngoại giao nghị viện và nhà nước trong thúc đẩy hòa bình, phát triển, tuân thủ luật pháp quốc tế, tư pháp, thương mại.

Thông qua diễn đàn lần này, IPTP-11 đã đạt được những kết quả quan trọng như Tuyên bố Phnom Penh và Hiến chương hòa bình toàn cầu. Trong đó, nhấn mạnh thúc đẩy ngoại giao nghị viện và quan hệ đối tác với tất cả các bên liên quan để xây dựng một cộng đồng toàn cầu hòa bình và thịnh vượng, thúc đẩy một thế giới tự do, hòa bình, đoàn kết và hạnh phúc, trên cơ sở tình yêu thương, lòng nhân ái và bao dung; đồng thời thúc đẩy hợp tác với Ủy ban xây dựng hòa bình của Liên hợp quốc nhằm tập hợp, đoàn kết mạng lưới nghị viện để khởi xướng các chương trình nghị sự hòa bình, bao gồm việc thành lập quỹ xây dựng hòa bình nhằm huy động và phân bổ nguồn tài trợ.

Bên cạnh đó, thông điệp cốt lõi của Hiến chương hòa bình toàn cầu tập trung vào 5 nội dung chính bao gồm: Ngăn ngừa xung đột; Xây dựng hòa bình và hòa giải; công lý trong giai đoạn chuyển tiếp; Tái thiết sau xung đột; Ứng phó với thiên tai, hỗ trợ nhân đạo, an ninh lương thực và phát triển bền vững theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ IPTP-11, IPTP, Hội đồng toàn cầu về Bao dung và hoà bình (GCTP) đã ký kết biên bản ghi nhớ với Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP), cùng một số tổ chức khác như Nghị viện Arập, Nghị viện Mỹ Latinh (Parlartino), Nghị viện Mercosur (Parlasur), Nghị viện Andean (Parladino). Qua đó, góp phần thúc đẩy hơn nữa tinh thần hòa bình và bao dung, cùng tồn tại và thịnh vượng thông qua việc mở rộng mạng lưới nghị viện trên thế giới.

Tại IPTP 11, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdech Techo Hun Sen có bài phát biểu quan trọng xoay quanh chủ đề “Kinh nghiệm lãnh đạo và tầm nhìn hòa bình” từ thực tiễn đất nước Campuchia.

Trong đó, ông Hun Sen chia sẻ về về hành trình sang Việt Nam tìm sự giúp đỡ, quá trình xây dựng và phát triển đất nước và công cuộc hòa giải, vượt qua sự chia rẽ để xây dựng hòa bình, thống nhất đất nước ở Campuchia trong thập niên cuối thế kỷ 20.

Trong thông điệp chia sẻ tại diễn đàn, ông Samdech Techo Hun Sen đánh giá cao và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với sự giúp đỡ của Bộ đội tình nguyện Việt Nam trong việc giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng của Pol Pot, đồng thời khẳng định trong suốt quá trình đó, Việt Nam tôn trọng độc lập, tự chủ và các quyết định của Campuchia.

Chủ tịch CPP nêu rõ Campuchia cũng ủng hộ Việt Nam trong công cuộc thống nhất dân tộc và đất nước, đảm bảo độc lập và chủ quyền.

Trong thông điệp dài hơn 2 giờ, trình bày tại phiên khai mạc IPTP-11 với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”, cùng với Việt Nam, ông Hun Sen cũng không quên cảm ơn sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc kiến tạo nền hòa bình trên đất nước Chùa Tháp.

Xuất phát từ thực tiễn lịch sử Campuchia, ông Hun Sen cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo xây dựng hòa bình và hòa giải trên đất nước của kỳ quan Angkor Wat.

Trong đó, nhấn mạnh 3 yếu tố mang tính quyết định, bao gồm: Tự chủ vận mệnh của dân tộc; Cộng đồng quốc tế cần chung tay bảo vệ nền hòa bình hiện có thay vì đi tìm kiếm hay xây dựng nền hòa bình đã mất; Nền hòa bình sẽ không trường tồn nếu không có tinh thần đoàn kết thống nhất, hàn gắn, công lý, phát triển bền vững và bao trùm...

Về phần mình, phát biểu tại diễn đàn với tư cách là khách mời, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao nỗ lực của Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch CPP, Chủ tịch Thượng viện Campuchia và Quốc hội Campuchia trong việc tổ chức IPTP 11.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Câu chuyện thành công của Campuchia trong củng cố hòa bình, hòa giải, phát triển đất nước là một minh chứng cho mục tiêu cao cả xây dựng một thế giới hòa bình, tốt đẹp hơn, văn minh hơn, nơi con người sống bao dung với nhau.”

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại IPTP-11. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Chia sẻ với lãnh đạo nghị viện, nghị sỹ các nước tham dự IPTP 11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ hòa bình không chỉ là việc không có chiến tranh, mà còn là sự tôn trọng, yêu thương và chia sẻ giữa các dân tộc, các quốc gia.

Hòa bình là khi chúng ta hiểu và đồng cảm được với mỗi con người, bất kể màu da, tôn giáo hay nguồn gốc dân tộc. Hòa bình là nhằm bảo đảm mỗi con người đều xứng đáng được sống một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong một môi trường an toàn, không bị phân biệt đối xử.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam ủng hộ các sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới, ủng hộ việc thúc đẩy giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc...

IPTP là một cơ chế thuộc Hội đồng toàn cầu về Khoan dung và Hòa bình (GCTP), tổ chức quốc tế do nhà ngoại giao Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), Chủ tịch đương nhiệm GCTP Ahmed Bin Mohamed Aljarwan thành lập vào năm 2017 với mục đích thúc đẩy văn hóa hòa bình, chống lại sự phân biệt và bạo lực cực đoan.

Campuchia hiện giữ vai trò Chủ tịch IPTP nhiệm kỳ 2023 - 2024 và là nơi đặt trụ sở của GCTP khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

IPTP đã ký thỏa thuận hợp tác với khoảng 40 nghị viện quốc gia và khu vực, có tư cách quan sát viên của Liên minh Nghị viện thế giới. Quốc hội Việt Nam chưa phải là thành viên của IPTP và IPTP-11 là diễn đàn đầu tiên Quốc hội Việt Nam tham dự theo lời mời của chủ nhà Campuchia.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Phom Penh, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng khẳng định việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự IPTP-11 với tư cách khách mời đặc biệt một mặt thể hiện sự coi trọng vai trò của nước chủ nhà Campuchia, mặt khác cũng thể hiện vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nêu rõ: “Việt Nam sẵn sàng tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực để có thể phát huy vai trò và đóng góp của mình cho những vấn đề toàn cầu và khu vực, vì một thế giới hòa bình và vì hạnh phúc của nhân loại.”

IPTP-11 kết thúc thành công, mở đường cho một tương lai tươi sáng và phát triển bền vững dựa trên nền tảng hòa bình. Những kết quả đạt được từ IPTP-11 phản ánh nỗ lực và khát vọng chung của IPTP và tất cả các bên liên quan trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, cùng thúc đẩy sứ mệnh chung vì hòa bình, hòa giải và bao dung, cùng tồn tại và thịnh vượng./.