Cải thiện trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng và quản trị điện tử ở địa phương
Theo kết quả khảo sát PAPI năm 2023, trong năm qua, người dân có những đánh giá tích cực hơn về hiệu quả phòng, chống tham nhũng và quản trị điện tử tại địa phương.
Theo kết quả khảo sát Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp Tỉnh (PAPI) năm 2023 được công bố sáng 2/4 tại Hà Nội, trong năm qua, người dân có những đánh giá tích cực hơn về hiệu quả phòng, chống tham nhũng và quản trị điện tử tại địa phương.
Đây là năm thứ 15, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với các đối tác tổ chức công bố chỉ số được coi như một tấm gương phản ánh đánh giá của người dân về hiệu quả thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp chính quyền đã được ghi trong Hiến pháp, pháp luật và chính sách đối với những vấn đề gắn với đời sống thường nhật, nhu cầu cũng như kỳ vọng của người dân Việt Nam.
Chỉ số PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, với sự hỗ trợ trong điều phối khảo sát thực địa của các cơ quan trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến cơ sở từ năm 2009.
Bên cạnh đó, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng các đối tác nghiên cứu khác tham gia nghiên cứu chuyên sâu và dùng dữ liệu của PAPI để tư vấn chính sách cho các cơ quan Trung ương, địa phương.
Chỉ số PAPI lấy ý kiến người dân trên tám chỉ số nội dung thành phần gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Ba vấn đề người dân quan tâm nhất trong năm 2023
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho biết, báo cáo PAPI 2023 lấy ý kiến của gần 20.000 người dân ở 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đây là số lượng người tham gia khảo sát lớn nhất từ trước tới nay của khảo sát chỉ số PAPI.
Theo bà Ramla Khalidi, có ba phát hiện nổi bật trong kết quả khảo sát PAPI 2023. Trước hết, mức độ hài lòng của người dân về công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực công đã được cải thiện ở cấp địa phương.
"Đây là một tiến bộ đáng hoan nghênh, đặc biệt khi xét rằng, qua các năm, các chỉ số tham nhũng là yếu tố quyết định rõ ràng nhất sự hài lòng chung của người dân đối với quản trị địa phương," bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Ramla Khalidi cũng lưu ý, người dân vẫn còn những quan ngại với một số chỉ số phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực tuyển dụng nhân lực; tính minh bạch trong quá trình ra quyết định ở địa phương…
"Dữ liệu từ Chỉ số PAPI phục vụ cung cấp bằng chứng cho việc hoạch định chính sách rất phong phú. Dựa trên những dữ liệu này, chúng tôi mong rằng tất cả các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi cởi mở với các bên liên quan và có những hành động cụ thể để cải thiện sự hài lòng của người dân đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong năm 2024 và những năm tiếp theo," bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Phát hiện thứ hai, đó là khả năng tiếp cận quản trị điện tử của người dân tăng so với năm 2022. Số liệu PAPI 2023 cho thấy tỷ lệ người dân sử dụng cổng thông tin điện tử cấp quốc gia và cấp tỉnh có xu hướng tăng lên, mặc dù con số tổng thể vẫn còn thấp.
Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam lưu ý, việc tiếp cận toàn diện các dịch vụ điện tử đòi hỏi phải thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, đặc biệt tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số và dân cư nông thôn.
Phát hiện thứ 3 là những vấn đề được người tham gia khảo sát quan tâm nhất trong năm 2023. Theo đó, ba vấn đề người dân cho rằng Nhà nước cần tập trung giải quyết trong năm tiếp theo đó là nghèo đói (chiếm 22,39% tổng số người trả lời), việc làm (12,79%) và tăng trưởng kinh tế (9,2%).
Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng những mối quan tâm trên cho thấy Nhà nước và cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, nắm bắt và có các chính sách đối với những những nhóm dân cư, khu vực và cộng đồng dễ bị tổn thương, có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam.
Nhiều địa phương có sự cải thiện trong quản trị, hành chính công
Kết quả khảo sát PAPI 2023 cho thấy nhìn chung, chất lượng quản trị và hành chính công giữa các tỉnh, thành phố có xu hướng thu hẹp. Mức chênh lệch điểm tổng hợp giữa điểm thấp nhất (38,97 điểm) và điểm cao nhất (46,04 điểm) là 7,07 điểm, nhỏ hơn khoảng cách này ở năm 2021, 2022.
Nhiều tỉnh, thành phố có sự cải thiện trong các chỉ số nội dung thành phần. Chất lượng quản trị và hành chính công tại các tỉnh, thành phố phía Bắc và miền Trung có xu hướng được người dân đánh giá cao hơn so với các địa phương phía Nam.
Trong 15 địa phương thuộc nhóm "cao," có năm địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, bốn địa phương thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng. Trong 16 địa phương thuộc nhóm "thấp" có bảy địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và ba địa phương thuộc vùng Tây Nguyên.
Kết quả tổng hợp PAPI 2023 của 61 tỉnh/thành phố (hai tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương không được chấm điểm do kết quả khảo sát vượt giá trị sai số cho phép trong thống kê) cho thấy tỉnh Thừa Thiên-Huế đứng đầu với tổng số điểm trên 46,04 điểm.
Các địa phương đứng kế tiếp trong bảng xếp hạng gồm Thái Nguyên (45,78 điểm), Bắc Ninh (45,70 điểm), Sóc Trăng (45,61 điểm), Bạc Liêu (45,57 điểm), Ninh Thuận (45,50 điểm).
Hà Nội chỉ đạt 43,96 điểm và Thành phố Hồ Chí Minh đạt trên 41,77 điểm. Tỉnh Đắk Nông đứng cuối cùng của bảng xếp hạng PAPI 2023 với 38,97 điểm.
Đánh giá về khảo sát PAPI, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng những kết quả, khuyến nghị được đưa ra trong Báo cáo PAPI là một căn cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các bộ, ngành địa phương.
Mặt khác, cung cấp những gợi ý quan trọng để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển đất nước, triển khai Chiến lược Chuyển đổi Số Quốc gia, xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau./.