Số vụ tai nạn giao thông tăng cao, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu làm rõ nguyên nhân

Quý 1/2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 385 vụ tai nạn giao thông, làm 175 người chết, 313 người bị thương; tăng 106 vụ, tăng 16 người chết, tăng 130 người bị thương so với cùng kỳ năm 2023.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Quý 1/2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 385 vụ tai nạn giao thông, làm 175 người chết, 313 người bị thương; tăng 106 vụ (37,99%), tăng 16 người chết (10,06%), tăng 130 người bị thương (71,04%) so với cùng kỳ năm 2023.

Tám địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng cao nhất (trên 10 người/quý) và tăng cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm 2023, gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Sơn Tây, Chương Mỹ, Ứng Hòa.

Trước tình hình tai nạn giao thông tăng cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố - Trưởng ban An toàn Giao thông thành phố Trần Sỹ Thanh giao Văn phòng Ban An toàn Giao thông thành phố tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các địa phương có tai nạn giao thông tăng cao, tổng hợp, làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục, báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố kết quả thực hiện trong tháng 4/2024.

Nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, Ban An toàn Giao thông thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan tập trung, quyết liệt, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ sau: Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng; công an các quận, huyện, thị xã, công an các xã, phường, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt các hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn như: Vi phạm nồng độ cồn; vi phạm tốc độ; vượt ẩu; đi sai làn đường; không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu đường bộ; xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng; học sinh, thanh thiếu niên điều khiển xe môtô khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe...

Ưu tiên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường có tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, địa bàn có tai nạn giao thông tăng cao.

Ghi nhận, thông báo các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, cán bộ, chiến sỹ, học sinh, sinh viên vi phạm trật tự, an toàn giao thông đến cơ quan, đơn vị, nhà trường để phối hợp xử lý theo quy định.

Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải kiểm tra, rà soát các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông để xử lý kịp thời.

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra tại xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa ngày 5/3/2024. (Ảnh: TTXVN phát)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng giao Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tăng cường kiểm tra, duy tu, duy trì đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quản lý theo phân cấp, bổ sung đầy đủ hệ thống an toàn giao thông (sơn kẻ, biển báo hiệu, hệ thống chiếu sáng, bảo đảm tầm nhìn, bán kính đường cong, mặt đường êm thuận...), không để xảy ra tai nạn giao thông có nguyên nhân do hạ tầng giao thông.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố tiếp tục rà soát, xử lý kịp thời các “điểm đen,” điểm tai nạn giao thông; điều chỉnh các bất cập về tổ chức giao thông. Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại đầu nguồn (bến, bãi, mỏ vật liệu xây dựng...), gắn trách nhiệm đội trưởng thanh tra giao thông các địa bàn để xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố khi để tình trạng học sinh các cấp học do Sở quản lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông có nguyên nhân do thiếu sự quản lý của nhà trường.

Đối với 8/30 quận, huyện, thị xã có số người chết do tai nạn giao thông cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan; kịp thời thực hiện các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn./.