Các tập đoàn truyền thông xã hội "kiếm hàng tỷ USD từ dữ liệu người dùng"

Dựa trên cuộc điều tra kéo dài gần bốn năm với các công ty lớn như Meta, YouTube, Snap,TikTok, X..., FTC cho biết các tập đoàn truyền thông xã hội kiếm hàng tỷ USD từ thu thập dữ liệu người dùng.

Biểu tượng một số mạng xã hội. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc điều tra kéo dài nhiều năm đã phơi bày việc các tập đoàn truyền thông xã hội kiếm được hàng tỷ USD từ hoạt động "giám sát quy mô lớn", thu thập hàng loạt thông tin cá nhân của người dùng.

Báo cáo, được Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) công bố ngày 19/9, dựa trên cuộc điều tra kéo dài gần bốn năm đối với chín công ty lớn, trong đó có Meta, YouTube, Snap, Twitch thuộc Amazon, TikTok thuộc ByteDance, X.

FTC phát hiện các công ty này đã thu nhập lượng dữ liệu khổng lồ, thậm chí còn thông qua các nhà môi giới dữ liệu, và có thể lưu trữ vô thời hạn thông tin về cả người dùng và những người không sử dụng nền tảng của họ.

Cũng theo tài liệu trên, các mô hình kinh doanh này thường liên quan đến hoạt động quảng cáo có chủ đích, khuyến khích việc thu thập thông tin hàng loạt về dữ liệu người dùng tại nhiều công ty.

Hoạt động trên đã đặt lợi nhuận lên trên quyền riêng tư, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi này và khiến người dùng có nguy cơ bị đánh cắp danh tính hoặc theo dõi.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng các hoạt động thu thập dữ liệu của các công ty này còn nhiều thiếu sót nghiêm trọng và một số doanh nghiệp thậm chí không xóa bỏ hoàn toàn dữ liệu khi người dùng yêu cầu.

Ngoài ra, việc các công ty chia sẻ dữ liệu cũng dấy lên mối lo ngại về mức độ bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng.

Báo cáo kêu gọi các công ty truyền thông xã hội cần hạn chế việc thu thập dữ liệu và Quốc hội Mỹ cần sớm thông qua luật bảo vệ dữ liệu toàn diện để ngăn chặn tình trạng giám sát người dùng trên diện rộng.

Chủ tịch FTC Lina Khan cho biết báo cáo đã nêu rõ cách các nền tảng mạng xã hội và dịch vụ phát video trực tuyến thu thập và kiếm tiền từ khối lượng lớn dữ liệu cá nhân của người dân Mỹ.

Số tiền mà các công ty này kiếm được từ hoạt động trên lên đến hàng tỷ USD mỗi năm. Điều đặc biệt đáng lo ngại là việc nhiều công ty đã không có các biện pháp đầy đủ để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trên không gian mạng.

Trong khi đó, Giám đốc Điều hành Cục Quảng cáo Tương tác Mỹ (IAB) David Cohen đã bày tỏ thất vọng và phản bác lại báo cáo trên là sai sự thật, không phản ánh đúng thực tế về mối quan hệ giữa người tiêu dùng và quảng cáo kỹ thuật số.

Theo ông, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng người tiêu dùng hiểu được và chấp nhận sự "trao đổi giá trị" khi họ được tiếp cận thông tin và dịch vụ miễn phí hoặc được trợ cấp cao.

Về phần mình, người phát ngôn của Google, ông Jose Castaneda khẳng định tập đoàn này có chính sách bảo mật nghiêm ngặt, không bao giờ bán thông tin cá nhân của người dùng và không sử dụng thông tin nhạy cảm để phục vụ quảng cáo.

Ông cho biết thêm công ty này không áp dụng việc cá nhân hóa quảng cáo (sử dụng dữ liệu của người tiêu dùng để tăng mức độ phù hợp của quảng cáo) đối với người dùng dưới 18 tuổi./.