Những "cơn gió ngược" báo hiệu triển vọng thương mại toàn cầu ảm đạm

Trong bối cảnh triển vọng thương mại thế giới ngày càng ảm đạm, nhu cầu chip tăng mạnh nổi lên như một điểm sáng, nhưng ngay cả lĩnh vực này cũng đang đối mặt với những trở ngại.

Cảng hàng hóa Long Beach, bang California (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhu cầu chip trong tháng 8/2024 nổi lên như một điểm sáng trong bối cảnh triển vọng thương mại thế giới ngày càng ảm đạm, nhưng ngay cả lĩnh vực này cũng đối mặt với những trở ngại.

Công cụ theo dõi thương mại của Bloomberg cho thấy hai trong số 10 chỉ số chính về thương mại toàn cầu ở “dưới mức bình thường,” trong khi tám chỉ số ở mức “bình thường” và “trên bình thường.”

Xuất khẩu từ Hàn Quốc, dấu hiệu dự báo sớm về nhu cầu chip và pin của toàn cầu, đã tăng mạnh vào đầu tháng 8/2024 với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2022. Đặc biệt, xuất khẩu chip tăng khoảng 42% so với năm trước.

Trong thời điểm này, sự gia tăng như vậy là hiếm có đối với hoạt động thương mại, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, thuế quan cao và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng gây sức ép lên nhu cầu.

Tháng Tám vừa qua đã đưa đến nhiều trở ngại hơn cho một số nền kinh tế lớn nhất thế giới, gây sức ép lên hoạt động của nhà máy.

Trong khi doanh số bán lẻ tăng mạnh đã xóa bỏ lo ngại trước mắt của nhà đầu tư về nguy cơ suy thoái ngày càng gia tăng của kinh tế Mỹ, hoạt động sản xuất lại giảm với tốc độ nhanh nhất trong năm nay do số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Khu vực sử dụng đồng euro, nơi sản lượng chế tạo ngày càng suy giảm.

Nhà kinh tế trưởng tại châu Á của Bloomberg Economics, Chang Shu, cho rằng vẫn còn phải chờ xem hoạt động thương mại có thể duy trì sự ổn định ở mức độ nào khi các chỉ số hàng đầu có dấu hiệu suy yếu ở các nền kinh tế lớn.

Ở Trung Quốc, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu, với công ty sở hữu nền tảng bán lẻ trực tuyến Temu của nước này cho biết doanh số bán chậm hơn do tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ yếu.

Starbucks báo cáo doanh thu sụt giảm và một chuỗi nhà hàng nổi tiếng cho biết sẽ đóng cửa hơn chục địa điểm.

Và còn nhiều trở ngại phía trước. Canada công bố mức thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, tương đương với thuế ở Mỹ, và đánh thuế nhôm và thép.

Chip cũng nằm trong tầm ngắm của các biện pháp bảo hộ. Trong tháng này, Mỹ đã tăng gấp đôi mức thuế đối với chip sản xuất tại Trung Quốc lên 50%. Các quan chức cũng đang xem xét các quy định thậm chí còn cứng rắn hơn.

Tình hình ngày càng có nhiều khó khăn hơn sau khi kết quả tài chính từ Nvidia Corp., công ty đứng thứ hai thế giới về giá trị vốn hóa thị trường sau Microsoft Corp., cho thấy việc bán thế hệ chip hiện tại đang bị chậm do thiếu hụt./.