Các nước dọc sông Mekong đạt thỏa thuận chia sẻ dữ liệu vận hành đập
Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) ngày 11/9 thông báo giới chức cấp cao của 6 quốc gia dọc sông Mekong đã tán thành những khuyến nghị về giai đoạn đầu tiên của Nghiên cứu chung giữa MRC và MLC.
Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) ngày 11/9 thông báo giới chức cấp cao của 6 quốc gia dọc sông Mekong đã tán thành những khuyến nghị về giai đoạn đầu tiên của Nghiên cứu chung giữa Ủy ban sông Mekong và Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC).
Điều này giúp mở đường cho việc chia sẻ thông tin tốt hơn về hoạt động của hồ chứa và xả nước trên dòng sông Mekong, cũng như các giải pháp thiết thực để giảm thiểu và thích ứng với các tác động.
Thông báo cho biết thỏa thuận nói trên đã đạt được sau nhiều giờ thảo luận giữa Ủy ban liên hợp MRC và Nhóm công tác chung MLC về Hợp tác tài nguyên nước tại cuộc họp chung đầu tiên mang tính lịch sử diễn ra vào ngày 10/9 ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.
Cuộc họp cũng thống nhất thành lập Nhóm chuyên gia chung để giám sát các nghiên cứu chung sâu hơn và triển khai Khảo sát chung Lan Thương-Mekong.
Trong quá trình khảo sát chung, MRC và MLC sẽ cùng nhau thực hiện các chuyến đi thực địa và khảo sát cần thiết tại các địa điểm quan trọng ở lưu vực thượng lưu sông Mekong, bao gồm các cam kết và quan sát liên quan về sinh kế của người dân và cộng đồng sinh sống dọc con sông này.
Phát biểu tại cuộc họp, Tiến sỹ Anoulak Kittikhoun - Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC - cho biết: “Đây là một tin tốt lành cho sông Mekong và người dân của chúng ta.”
[Việt Nam coi trọng và chủ động tham gia Ủy hội sông Mekong quốc tế]
Một trong những khuyến nghị chính trong giai đoạn ngắn hạn là MRC và MLC hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo chia sẻ hiệu quả gần theo thời gian thực về mức trữ nước và dữ liệu vận hành thủy điện trên khắp lưu vực sông Lan Thương-Mekong, điều có thể giúp các cộng đồng dưới hạ nguồn chuẩn bị và thích ứng với những thay đổi.
Về lâu dài, Nghiên cứu chung khuyến nghị cả MRC và MLC nên cùng xây dựng các kế hoạch và chiến lược hành động, bao gồm chiến lược quản lý lũ lụt và hạn hán toàn diện, cũng như kế hoạch xây dựng năng lực, có thể đảm bảo quản lý tài nguyên nước phối hợp và thích ứng với các điều kiện thay đổi của sông.
Nghiên cứu chung về các mô hình thay đổi điều kiện thủy văn của lưu vực sông Lan Thương-Mekong và các chiến lược thích ứng đã được khởi động vào tháng 6/2022 tại Diễn đàn các bên liên quan khu vực MRC (RSF) lần thứ 12.
Đây là nghiên cứu nhằm tìm hiểu chế độ dòng chảy đang thay đổi và đưa ra các khuyến nghị có thể tăng cường chia sẻ thông tin về hoạt động của hồ chứa trên toàn lưu vực sông Lan Thương-Mekong, cũng như tìm kiếm các chiến lược thích ứng thực tế.
Những phát hiện và khuyến nghị ban đầu của Nghiên cứu chung được đưa vào báo cáo giai đoạn đầu tiên và sẽ được chia sẻ tại RSF lần thứ 13 vào ngày 5/10 tới tại Luang Prabang, Lào.
Các bên liên quan được mời cung cấp thông tin đầu vào và phản hồi về dữ liệu cần thiết sẽ được chia sẻ cùng các lĩnh vực trọng tâm cho giai đoạn thứ hai của nghiên cứu./.