Cà Mau: Bảo đảm an toàn cho học sinh vùng sông nước đến trường
Năm 2022, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã tuyên truyền cho hơn 472 chủ bến khách, 700 phương tiện thủy nội địa, quy định học sinh đi học bằng phương tiện thủy phải mặc áo phao để đảm bảo an toàn.
Với đặc thù có ba mặt giáp biển, Cà Mau là tỉnh đứng đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với mật độ kênh, rạch chằng chịt có tổng chiều dài hơn 10.000km.
Bên cạnh đó, cùng với gần 90 cửa biển, cửa sông lớn, nhỏ thông ra biển khiến hoạt động giao thông biển phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông trên nhiều tuyến đường thủy nội địa.
Ý thức của người lớn là sự an toàn của trẻ em
Xã Quách Phẩm (huyện Đầm Dơi) - nơi có hệ thống đường thủy nội địa đan xen, liên huyện…, mật độ các phương tiện giao thương, đò đưa rước học sinh hoạt động tương đối dày đặc.
Để bảo đảm tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa tại đây, Trạm Cảnh sát Đường thủy Hòa Trung-Năm Căn thường xuyên ra quân tuần tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên toàn tuyến nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra đối với học sinh.
Xác định đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong khu vực là yếu tố then chốt, nhất là đối với các hộ hành nghề chở học sinh đi học hàng ngày, Trạm thường xuyên kết hợp với lực lượng Công an, dân quân tự vệ xã tổ chức kiểm tra, tuyên truyền cho người đưa rước học sinh tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn; phát tờ rơi tại các điểm trường học để học sinh hiểu được sự cần thiết phải mặc áo phao khi đi trên các phương tiện thủy nội địa.
[Phòng, chống đuối nước cho trẻ: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm]
Chủ đò Phù Thanh Tuấn (xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) cho biết, Trạm Cảnh sát Đường thủy Hòa Trung-Năm Căn thường xuyên kết hợp với các lực lượng địa phương ra quân tuyên truyền, nhắc nhở người đưa rước học sinh về việc tuân thủ các quy định an toàn khi tham gia giao thông đường thủy nội địa, nhất là trang bị các phương tiện cứu sinh, áo phao… cho học sinh. Nhờ đó, học sinh nơi đây được đưa đón được ổn định, an toàn hơn.
Ông Phù Thanh Tuấn chia sẻ theo quy định, đò của ông được chở 12 người nhưng thường chỉ chở 10 hoặc 11 người. Là người trực tiếp đưa đón học sinh đi học hàng ngày, ông ý thức được việc trang bị các phương tiện an toàn trên đò là cần thiết, phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra.
Bà Võ Thị Nhung (ngụ ấp Xóm Dừa, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi) cho biết là phụ huynh có con đi học bằng đò bao hàng ngày, việc đảm bảo an toàn là ưu tiên hàng đầu. Để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra cho các em, nhất là vào mùa mưa bão, những mô hình tuyên truyền như Trạm Cảnh sát đường thủy Hòa Trung-Năm Căn cần được nhân rộng hơn nữa. Bởi với người dân vùng sâu vùng xa, đặc biệt là vùng sông nước, việc dần hình thành thói quen khi tham gia giao thông cho người dân là rất quan trọng; từ đó, đẩy lùi những tai nạn có thể xảy ra.
Công tác quản lý đò đưa rước học sinh được Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau đặc biệt chú trọng. Đơn vị đã tích cực phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo hiệu trưởng các trường đưa quy định học sinh đi học bằng phương tiện thủy phải mặc áo phao vào nội quy, quy chế của nhà trường để bắt buộc các em phải thực hiện.
Đồng thời, Ban thành lập các tổ kiểm tra việc học sinh đi học trên phương tiện thủy hàng ngày. Ban An toàn giao thông đã thiết kế và phát hành hơn 12.500 vở học sinh, 22.000 túi đựng giấy kiểm tra in nội dung đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh khi đến trường.
Với hình thức tuyên truyền mới, đa dạng, phong phú về nội dung, hoạt động này đã nhận được sự đồng thuận cao của người tham gia giao thông, đặc biệt là các học sinh. Đồng thời, các đơn vị quản lý đường thủy nội địa đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông, đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa và chính quyền địa phương thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn trong vận tải thủy nội địa. Từ đó, kiên quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn.
Năm 2022, ngành chức năng đã tuyên truyền cho hơn 472 chủ bến khách, 700 phương tiện thủy nội địa, hơn 5.000 lượt người khi tham gia giao thông trên phương tiện thủy phải mặc áo phao cứu sinh theo quy định.
Công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm được thực hiện hiệu quả với 139 phương tiện đăng ký mới, 1.915 lượt phương tiện đăng kiểm; nâng tổng số phương tiện đã đăng ký lên hơn 38.000 phương tiện, hơn 76.000 phương tiện được đăng kiểm.
Nhiều bất cập cần được tháo gỡ
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, năm 2022, trên địa bàn xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 2 người chết, 2 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do các phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm nhưng không trang bị đèn chiếu sáng và đều là những phương tiện gia đình.
Bên cạnh đó, qua kết quả tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng chức năng đã phát hiện 827 trường hợp chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn; 161 trường hợp điều khiển phương tiện nhưng không có bằng, chứng chỉ chuyên môn…
Theo đánh giá, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau nhận định, hạ tầng giao thông đường thủy chưa được đầu tư đúng mức nên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông. Đặc biệt, qua phân tích nguyên nhân dẫn đến tại nạn giao thông đường thủy nội địa cho thấy, ý thức của một bộ phận người dân vẫn chưa cao.
Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý trật tự, an toàn giao thông đường thủy hiện nay là chế tài vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể hiện không có chế tài tạm giữ phương tiện khi vi phạm; chưa có chế tài bắt buộc phương tiện phải hạ tải khi chở hàng vượt quá vạch dấu mớn nước an toàn.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân sống ven các tuyến đường thủy nội địa gặp khó khăn do đặc thù sinh sống rải rác, phân bố không đều.
Ông Nguyễn Thanh Bằng nhấn mạnh, hướng đến mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông thủy một cách bền vững, Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau xác định tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Qua đó, dần tạo chuyển biến trong nhận thức, hình thành nếp sống văn hóa giao thông cho người dân.
Thông qua các buổi sinh hoạt của các cơ quan, đoàn thể (như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ…), Ban An toàn giao thông đã lồng ghép tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm cho phương tiện; đồng thời lưu ý người dân khi điều khiển phương tiện phải mặc áo phao, có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Thời gian tới, các ngành, cấp, địa phương trên địa bàn sẽ triển khai đồng loạt việc thanh, kiểm tra kết hợp với công tác tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về tình hình trật tự, an toàn giao thông, nhất là đối với lĩnh vực đường thủy nội địa./.