Khắc phục thẻ vàng IUU: Kiên Giang tập trung cao điểm trong 180 ngày

Tỉnh Kiên Giang nỗ lực khắc phục những tồn tại về phòng chống khai thác IUU, với mục tiêu dự kiến trong quý 2/2023 đạt kết quả tốt để sớm được gỡ cảnh báo “thẻ vàng.”

Lực lượng Bộ đội biên phòng tuyên truyền cho người dân không thực hiện khai thác thủy sản trái phép làm ảnh hưởng đến môi trường biển. (Ảnh: TTXVN phát)

Tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trong 180 ngày, từ tháng 12/2022 - 5/2023, góp phần cùng cả nước quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh nhấn mạnh tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản, khắc phục những tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tỉnh quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững và đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhất là vùng biển Tây Nam Bộ.

Cùng với đó, tỉnh tập trung triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU như khung pháp lý; quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản; thực thi pháp luật và xử lý vi phạm.

[Tiền Giang phát huy nghề biển gắn với chủ động phòng chống IUU]

Bên cạnh đó, tỉnh khắc phục những tồn tại, hạn chế của địa phương về phòng chống khai thác IUU, tiếp tục chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4, dự kiến quý 2/2023, đạt kết quả tốt để sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng.”

Qua đó, giúp người dân, nhất là chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân hiểu một cách sâu sắc những nội dung cơ bản và quy định của Luật Thủy sản, lý do phải chống khai thác IUU, hệ lụy của “thẻ vàng,” “thẻ đỏ” để nâng cao nhận thức, tự chuyển biến, thay đổi hành vi trong khai thác, phát triển kinh tế thủy sản biển, không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép…

Ngoài ra, các ngành chức năng tỉnh rà soát số lượng tàu cá, hoàn thành việc đăng kiểm, đánh dấu tàu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu, giấy phép khai thác thủy sản trên biển theo quy định.

Các ngành chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ đội tàu đánh bắt xa bờ hoạt động trên ngư trường thông qua hệ thống giám sát tàu cá (VMS); đồng thời, nhắc nhở chủ tàu, thuyền trưởng mở kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu với VMS, duy trì hoạt động liên tục 24/24 giờ khi tàu cá rời cảng cá đến khi cập lại cảng.

Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá rời cảng, xuất bến và nhập bến, cập cảng đảm bảo đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật tàu cá, đăng ký tàu, an toàn thực phẩm, giấy phép khai thác, nhật ký khai thác, thiết bị giám sát hành trình và những vấn đề có liên quan khác.

Cơ quan chức năng cũng lập danh sách tàu cá có dấu hiệu, nguy cơ cao khai thác IUU để theo dõi, quản lý và cảnh báo đối với tàu cá mất kết nối với VMS trên 10 ngày, vượt ra giới qua vùng biển nước ngoài, thông báo cho các cơ quan, đơn vị chức năng điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.

Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh bố trí đủ nhân lực tại cảng cá chỉ định để giám sát, xác nhận và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành), cảng cá An Thới (thành phố Phú Quốc).

Theo Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang, tính đến 31/12/2022, tỉnh có 3.867 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên và thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; trong đó, có 3.642 tàu đã lắp đặt thiết bị này, số tàu còn lại thuộc diện xóa đăng ký, nằm bờ, ngân hàng quản lý.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết tình trạng tàu cá, ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng bất lợi đến nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

Mặc dù, hầu hết tàu cá hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng tình trạng tàu cá mất kết nối trên biển, mất kết nối trong bờ vẫn thường xuyên xảy ra với số lượng lớn, gây khó khăn trong việc theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trên ngư trường.

Mặt khác, việc thực thi pháp luật còn hạn chế, điều tra, xử lý vi phạm chậm, chưa quyết liệt, chưa xử lý đến cùng, nhất là xử lý tàu cá có dấu hiệu khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài và xử lý vi phạm phát hiện qua VMS đạt tỷ lệ thấp; việc điều tra với các nhóm đối tượng tiến hành môi giới, đưa ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép đến nay chưa đưa ra xử lý vụ việc nào điển hình để răn đe, giáo dục./.

Lê Huy Hải (TTXVN/Vietnam+)