Bộ Ngoại giao: Hoạt động hợp tác biển phải phù hợp luật pháp quốc tế

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác biển, cần phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Huy Hùng/TTXVN)

Chiều 12/1, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của báo chí đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tuyên bố của Tòa án tối cao Philippines ngày 10/1 về thỏa thuận thăm dò năng lượng năm 2005 của nước này với các công ty Trung Quốc và Việt Nam là vi hiến do Hiến pháp Philippines không cho phép các thực thể nước ngoài khai thác tài nguyên thiên nhiên; thỏa thuận này đã hết hiệu lực vào năm 2008, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

[Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước LHQ về Luật Biển]

Là quốc gia ven biển, thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam cho rằng mọi hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác biển cần phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của các nước được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982./.

Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)