Thanh Hóa "cần dành nhiều nguồn lực hơn để phát triển miền núi"
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai lưu ý tỉnh Thanh Hóa cần dành nhiều nguồn lực hơn để phát triển 11 huyện miền núi nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.
Ngày 12/1, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư; nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trương Thị Mai cho biết mặc dù năm 2022 gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nội bộ tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết để đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, thu ngân sách đạt trên 51.000 tỷ đồng, là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023, năm bản lề của nhiệm kỳ 2020-2025.
Trên địa bàn tỉnh không xảy ra điểm nóng về an ninh, trật tự, tôn giáo ổn định hài hòa. Bà đánh giá rất cao tỉnh Thanh Hóa trong việc kết nạp được trên 13.000 đảng viên mới, coi đây là điển hình trong phát triển đảng, nhất là việc kết nạp đảng viên mới ở cấp học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Trương Thị Mai cũng lưu ý tỉnh Thanh Hóa đang có sự phân hóa giữa đồng bằng, miền núi. Theo đó, tỉnh cần dành nhiều nguồn lực hơn để phát triển 11 huyện miền núi nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng công tác tổ chức cán bộ, phải đưa người giỏi vào bộ máy địa phương mới có nhiều đột phá, phát triển hơn nữa.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, năm 2023, tỉnh tiếp tục tăng cường đoàn kết, thống nhất, nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, chủ động, sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và người dân.
Tỉnh tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; khắc phục điểm nghẽn về mặt bằng, hạ tầng, nhất là hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển.
[Xây dựng Đề án thí điểm chính sách đặc thù về biên chế cho Thanh Hóa]
Tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Với những giải pháp trên, Thanh Hóa đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 đạt 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 3.200 USD trở lên. Tổng giá trị xuất khẩu đạt 5.500 triệu USD trở lên. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 140.000 tỷ đồng trở lên. Thu ngân sách Nhà nước đạt 35.340 tỷ đồng trở lên…
Trước mắt, để tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thanh Hóa tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, công nhân lao động... bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau.
Toàn tỉnh tổ chức chi trả trợ cấp thường xuyên tháng 1 cho 183.600 đối tượng bảo trợ và gia đình nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Thanh Hóa tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước và của tỉnh đối với 195.538 lượt người có công, tổng kinh phí 57,686 tỷ đồng, chi trả trợ cấp ưu đãi thường xuyên tháng 1 cho 68.200 người có công và thân nhân, tổng kinh phí 128,6 tỷ đồng (việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công, trao tặng quà cho đối tượng chính sách hoàn thành trước ngày 15/1/2023).
Cùng với nguồn kinh phí từ ngân sách, các cấp, ngành huy động nguồn xã hội hóa 123.048 suất quà, tổng trị giá 54,72 tỷ đồng, tặng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tại, dịch bệnh...
Cũng trong ngày 12/1, bà Trương Thị Mai cùng Đoàn công tác đã tặng 200 suất quà cho công nhân Khu công nghiệp Hoằng Long, thành phố Thanh Hóa, 50 suất quà cho học sinh và 50 suất quà cho đồng bào Công giáo huyện Quảng Xương./.