Bộ GTVT: Các dự án Cao tốc Bắc-Nam ‘hấp thụ’ nhiều nguồn vốn nhất
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, tăng mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành giải ngân theo đúng kế hoạch.
Mặc dù kết quả giải ngân vẫn đạt được nhiều điểm sáng và duy trì qua từng tháng, tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải vẫn liên tục yêu cầu các ban quản lý dự án/chủ đầu tư tích cực giải ngân nhằm đảm bảo kế hoạch đã đăng ký với bộ và Chính phủ giao.
Giải ngân gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2022
Báo cáo của Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho thấy đến hết tháng Tám, bộ đã giải ngân khoảng 49.723/95.222 tỷ đồng, đạt khoảng 52% kế hoạch của năm.
“So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao gấp hơn 2 lần về giá trị và cao hơn 12% về tỷ lệ (hết tháng 8/2022, Bộ GTVT giải ngân khoảng 22.263 tỷ đồng, đạt khoảng 40% kế hoạch). Tiến độ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải tính đến thời điểm này duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước,” lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho hay.
Đáng chú ý, giá trị giải ngân 8 tháng tập trung ở các dự án Cao tốc Bắc-Nam (36.249 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 73,7% giá trị giải ngân của cả Bộ Giao thông Vận tải).
Cụ thể, các dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 giải ngân 9.482/17.536 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch năm và 98% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký (9.482/9.703 tỷ đồng). Một số dự án giải ngân chậm so với kế hoạch đăng ký như đoạn Cam Lộ-La Sơn của Ban quản lý dự án Hồ Chí Minh đạt 43%; 2 dự án của Ban quản lý dự án 6 (đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu đạt 81%, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt đạt 89%).
[Tăng tốc tiến độ, giải ngân hàng loạt các dự án Cao tốc Bắc-Nam]
Phía Vụ Kế hoạch-Đầu tư cũng chỉ ra nguyên nhân chậm tiến độ do chậm thực hiện thủ tục hoàn công, thanh toán, toán quyết tại các dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác (dự án Cam Lộ-La Sơn), năng lực các nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP chưa đáp ứng yêu cầu (dự án Diễn Châu-Bãi Vọt).
Với các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 đã giải ngân 26.766/45.474 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch năm và 93% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký (26.766/28.772 tỷ đồng). Một số dự án giải ngân chậm so với kế hoạch đăng ký như 2 dự án của Ban quản lý dự án Thăng Long (đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi đạt 84%, đoạn Hàm Nghi-Vũng Áng đạt 77%); đoạn Chí Thạnh-Vân Phong của Ban quản lý dự án 7 đạt 83%; đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn của Ban quản lý dự án 2 đạt 84%; đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh của Ban quản lý dự án 85 đạt 85%.
“Một số nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân của các dự án do giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng chậm (theo báo cáo đến nay đã bàn giao được 90% mặt bằng, tuy nhiên năm 2023 mới giải ngân 7.014/14.858, đạt 47% kế hoạch, trong tháng Tám chỉ giải ngân đạt hơn 200 tỷ đồng); thời tiết không thuận lợi, tiến độ bàn giao mỏ vật liệu cho nhà thầu thi công của các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo kế hoạch các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đăng ký tháng Chín giải ngân khoảng 7.439 tỷ đồng, trong đó có 4 ban quản lý dự án đăng ký kế hoạch giải ngân lớn, cần tập trung chỉ đạo thực hiện gồm Ban quản lý dự án 85 đăng ký 1.403 tỷ đồng, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đăng ký 1.399 tỷ đồng, Ban quản lý dự án 7 đăng ký 1.377 tỷ đồng; Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đăng ký 887 tỷ đồng.
Vẫn cần giải ngân khoảng 46.000 tỷ đồng
Khẳng định để giải ngân hết số vốn còn lại khoảng 46.000 tỷ đồng trong năm tháng cuối năm là thách thức rất lớn, lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho rằng cần sự nỗ lực, quyết tâm, đổi mới trong triển khai thực hiện của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án và sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ của các cơ quan tham mưu.
Các chủ đầu tư/ban quản lý dự án trên cơ sở số liệu kế hoạch vốn năm 2023 đã rà soát, thống nhất với Vụ Kế hoạch-Đầu tư và các quyết định điều chỉnh, điều hòa kế hoạch vốn năm 2023, cập nhật, xây dựng kế hoạch giải ngân năm tháng cuối năm đối với từng dự án để bảo đảm giải ngân hết nguồn vốn được được giao; trong đó, lưu ý phải có giải pháp để giải ngân bù phần giá trị giải ngân bị chậm trong 8 tháng đầu năm.
Với các dự án chuẩn bị đầu tư, ban quản lý dự án và chủ đầu tư cần quyết liệt đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, khởi công các dự án đúng kế hoạch để giải ngân nguồn vốn đã bố trí.
[Bộ GTVT: Xác định ‘đường găng’ để giải ngân vốn đối với từng dự án]
Riêng các dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020, các ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, tăng mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện thủ tục hoàn công, thanh quyết toán dự án bảo đảm hoàn thành giải ngân theo đúng kế hoạch.
Đánh giá tiến độ giải ngân vốn cho công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, Vụ Kế hoạch-Đầu tư đề nghị trong thời gian tới, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án cần phối hợp với các địa phương tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc, hoàn thiện thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng; rà soát để điều hòa nguồn vốn giải phóng mặt bằng dự kiến không giải ngân hết cho công tác xây dựng, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao.
“Ban quản lý dự án, chủ đầu tư cũng cần phối hợp với địa phương sớm hoàn thành thủ tục cấp mỏ vật liệu cho các dự án; yêu cầu các nhà thầu tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai thi công bảo đảm tiến độ yêu cầu; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng ngay khi có khối lượng theo đúng quy định,” lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư nhấn mạnh.
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân cả năm, trong các tháng cuối năm, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án ngoài việc hoàn thành kế hoạch giải ngân từng tháng cần phải có giải pháp đẩy mạnh giải ngân để bù phần bị chậm trong 8 tháng đầu năm (khoảng 3.000 tỷ đồng)./.