Bộ Y tế lập 2 đoàn kiểm tra, giám sát phòng chống bệnh bạch hầu
Hai đoàn công tác có nhiệm vụ làm việc với Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh Điện Biên, Hà Giang về công tác phòng, chống bệnh bạch hầu
Ngày 6/9, theo thông tin từ Bộ Y tế, Bộ vừa có quyết định thành lập 2 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh bạch hầu tại tỉnh Hà Giang và tỉnh Điện Biên.
Theo quyết định của Bộ Y tế, 2 đoàn kiểm tra, giám sát phòng chống bệnh bạch hầu này do lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng và lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn.
[Phân bổ 238.400 liều vaccine sởi và bạch hầu-ho gà-uốn ván cho 28 tỉnh]
Thành phần đoàn có sự tham gia của một số vụ/cục chức năng của Bộ Y tế và các chuyên gia đến từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Hai đoàn công tác có nhiệm vụ làm việc với Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh Điện Biên, Hà Giang về công tác phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn; kiểm tra các nội dung về giám sát xử lý ổ dịch; tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh; công tác thu dung, điều trị bệnh nhân bạch hầu; công tác truyền thông và đáp ứng chống dịch.
Đoàn cũng đánh giá, nhận định tình hình và đề xuất các giải pháp kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại địa phương trong thời gian tới.
Mới đây tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã ghi nhận trường hợp một bệnh nhân tử vong do mắc bệnh bạch hầu. Trước tình hình này, huyện tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khống chế, ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan, hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong.
Bệnh nhân vừa tử vong do mắc bệnh Bạch hầu là V.M.D, 15 tuổi, dân tộc Mông, địa chỉ tại thôn Khâu Vai B, xã Khâu Vai. Đây cũng là trường hợp đầu tiên trên địa bàn tỉnh mắc bệnh bạch hầu trong gần 20 năm qua.
Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở Việt Nam, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh./.