Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam ký kết đẩy mạnh khuyến học
Việc ký kết hợp tác về khuyến học góp phần thực hiện thành công chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Ngày 10/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Hội Khuyến học Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024-2030.
Tại lễ ký kết, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh ba chức năng của Hội khuyến học Việt Nam là khuyến khích, thúc đẩy toàn dân học tập suốt đời; hỗ trợ, giáo dục trong và ngoài nhà trường; liên kết, phối hợp, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Ba chức năng này đã được Hội cụ thể hóa, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước trong gần 28 năm qua.
Bà Nguyễn Thị Doan cũng chia sẻ trong giai đoạn hiện nay, khi giáo dục đang triển khai đổi mới theo hướng mở là khó hơn với ngành giáo dục; bởi bối cảnh mới, giáo dục và đào tạo con người không chỉ giữ vững bản sắc mà còn hội nhập quốc tế, trở thành công dân toàn cầu. Do vậy, ngành giáo dục cần tìm mọi biện pháp thúc đẩy sự học, thực hiện tốt phong trào xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời thông qua các mô hình học tập, phong trào thi đua.
Khẳng định việc ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam là sự kiện quan trọng, bà Nguyễn Thị Doan mong muốn sẽ có nhiều hơn sự thấu hiểu về xã hội học tập, học tập suốt đời để thực hiện tốt chương trình phối hợp này.
Hai bên cần thành lập Ban Khuyến học làm đầu mối điều hành để triển khai và đạt được các tiêu chí về công dân học tập, xã hội học tập.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn Hội Khuyến học Việt Nam về những đóng góp, hỗ trợ hiệu quả cho Bộ, ngành Giáo dục suốt thời gian qua.
Bộ trưởng cho biết, ngành Giáo dục đang trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện, có nghĩa là đang trong cuộc cải cách mạnh mẽ với rất nhiều sự đổi mới, từ giáo dục mầm non, phổ thông tới giáo dục đại học, sau đại học.
Một trong những điểm quan trọng của sự đổi mới là xây dựng một nền giáo dục mở, xã hội học tập và học tập suốt đời. Bộ Giáo dục và Đào tạo ý thức sâu sắc những việc đã, đang và sẽ làm luôn cần sự chung tay, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trong đó có Hội Khuyến học Việt Nam.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh giáo dục thường xuyên cũng như phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời là công việc lâu dài, triết lý giáo dục của thời đại mới, do đó cũng cần phải quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng mong muốn, sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ thêm, bởi đây là giai đoạn quan trọng, rất cần thúc đẩy đổi mới giáo dục và đào tạo.
Chương trình phối hợp giữa hai bên gồm 5 nội dung cụ thể. Đó là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, hai bên xây dựng các diễn đàn về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam; phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai công nhận danh hiệu “Công dân học tập;” “Đơn vị học tập”; “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh.
Hai bên phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng Chương trình khuyến học, khuyến tài trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục đại học nhằm thực hiện các nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong nhà trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam lựa chọn, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong học tập, giảng dạy và quản lý của ngành Giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (trao giải thưởng “Nhân tài đất Việt”; học bổng “Học không bao giờ cùng”…).
Qua đó, tạo sự lan tỏa, khích lệ, góp phần thực hiện thành công chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập./.