Mặt bằng, nguồn vật liệu "níu chân" tiến độ các dự án giao thông trọng điểm
Ngoài công tác giải phóng mặt bằng còn chưa đạt yêu cầu, các dự án giao thông cũng đang gặp trở ngại về nguồn vật liệu thi công, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thi công.
Các dự án giao thông trọng điểm Quốc gia vẫn đang gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu. Nếu các bộ, ngành và địa phương không có giải pháp tháo gỡ, tiến độ dự án sẽ khó về đích theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tỷ lệ bàn giao mặt bằng còn chậm
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã tích cực triển khai và bàn giao mặt bằng để thi công, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm đánh giá tỷ lệ bàn giao mặt bằng phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm tại nhiều địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Cụ thể, Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 qua tỉnh Quảng Bình tại Dự án đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ mới bàn giao được 86% (có thể thi công hơn 85%); Dự án đoạn Bùng-Vạn Ninh qua tỉnh Quảng Trị mới bàn giao hơn 89% (có thể thi công hơn 84%); Dự án đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn qua tỉnh Quảng Ngãi chưa bàn giao mặt bằng 0,69km khu dân cư đầu tuyến (huyện Tư Nghĩa) và nút giao Quốc lộ 24 (thị xã Đức Phổ).
Tại Dự án Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, tỉnh Khánh Hòa đã bàn giao thêm 5,5km (tăng 17,5%) nhưng chỉ đạt 74,6% tổng diện tích giải phóng mặt bằng. Dự án Hòa Liên-Túy Loan, thành phố Đà Nẵng mới bàn giao 6,6/11,5km, đạt 57%.
Tỉnh Đồng Nai không bàn giao thêm diện tích thi công Dự án thành phần 1 Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (tỷ lệ bàn giao mặt bằng hiện đạt gần 22%) và Dự án thành phần 3 Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (tỷ lệ bàn giao mặt bằng mới đạt 40%).
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang nhận bàn giao cọc giải phóng mặt bằng từ tháng 11/2023, đến nay cũng mới bàn giao được hơn 8km trên tổng chiều dài hơn 45km (đạt 18%).
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng nhìn nhận việc di dời các đường điện cao thế còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đặc biệt đối với các đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu và Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 (đường dây 220-500kV còn 50/143 vị trí, trong đó có 12/50 vị trí qua khu vực đất yếu; đường dây 110kV còn 42/94 vị trí, trong đó có 10/42 vị trí qua khu vực đất yếu).
Bên cạnh đó, thủ tục điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên chậm hơn so với yêu cầu, ảnh hưởng đến việc điều phối vật liệu cho Dự án Cao tốc Hoài Nhơn-Quy Nhơn (Bình Định).
Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh thi công các khu tái định cư; giải phóng mặt bằng các khu vực còn lại của các dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; hai dự án đường vành đai và ba Dự án cao tốc trục Đông-Tây đáp ứng tiến độ theo yêu cầu; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đẩy nhanh tiến độ di dời đường điện cao thế, ưu tiên các vị trí có thời gian thi công dài như khu vực cần xử lý nền đất yếu.
Công suất khai thác cát thấp hơn 3 lần so nhu cầu
Về nguồn vật liệu cung ứng cho nhà thầu thi công, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết việc bổ sung mỏ và cho phép nâng công suất các mỏ đáp ứng tiến độ thi công các dự án của các địa phương còn chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành các dự án, đặc biệt các dự án như Cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng cần hoàn thành vào cuối năm 2025.
Cụ thể, đến nay, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã xác định nguồn cung và cấp bản xác nhận khối lượng khai thác 16/19 triệu m3. Tuy nhiên, nhà thầu mới chỉ khai thác được tại các mỏ có tổng trữ lượng 12,4 triệu m3; chưa đủ điều kiện khai thác 3,6 triệu m3 (tỉnh An Giang 0,41 triệu m3; Vĩnh Long 3 triệu; Đồng Tháp 0,14 triệu m3).
Trong đó, khối lượng đưa về công trường đến nay chỉ được 3,5 triệu m3 cát do bị khống chế công suất khai thác. Công suất khai thác hiện chỉ đạt trung bình 15.000m3/ngày, trong khi nhu cầu của dự án là 50.000m3/ngày.
Mặc dù Bộ Xây dựng đã hướng dẫn các địa phương xác định chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù, tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận các địa phương, các chủ đầu tư còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai.
“Các địa phương còn có cách hiểu khác nhau (Đồng Tháp tính theo Luật Giá, An Giang giao chủ đầu tư phê duyệt). Hướng dẫn chưa nêu cụ thể các khoản mục chi phí; cơ sở xác định giá trị của các khoản mục chi phí (theo định mức hay báo giá, hợp đồng hay chứng từ do đơn vị khai thác cung cấp), đặc biệt đối với giá thương thảo quyền sử dụng đất khu vực mỏ,” Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho hay.
Liên quan đến việc khai thác cát biển, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, nhà thầu đã hoàn tất các thủ tục khảo sát, lập hồ sơ đăng ký khu vực và khối lượng khai thác; hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường, phương án khai thác trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản giao diện tích, khu vực khai thác cát biển phục vụ Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Dự kiến, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng sẽ cấp bản xác nhận khu vực, khối lượng khai thác trước ngày 15/5 tới. Sau khi được bộ chuyên ngành giao khu vực biển, nhà thầu sẽ hoàn thành các nghĩa vụ tài chính (thuế, phí) sẽ có thể khai thác trong tháng Năm.
Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh có nguồn vật liệu cát đắp (An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre,...) phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác liên ngành (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì) để rà soát, thực hiện việc điều phối nguồn vật liệu, đảm bảo việc cung ứng đáp ứng kế hoạch triển khai hoàn thành các dự án, ưu tiên cung ứng cho các dự án có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các bộ, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện các thủ tục giao mỏ cát biển cho các nhà thầu khai thác làm vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông./.