Bình Phước: Chợ đầu tư tiền tỷ bỏ hoang gần 20 năm, nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng
Theo Phó Phòng Kinh tế-Hạ Tầng huyện Đồng Phú, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chợ Đồng Tâm hoạt động không hiệu quả là do khu vực đặt chợ xa trung tâm, dân cư sinh sống thưa thớt.
Được đầu tư khá đồng bộ với kinh phí gần 3,2 tỷ đồng, nhưng gần 20 năm kể từ khi công trình chợ Đồng Tâm (thuộc xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) hoàn thành đến nay vẫn đang bỏ hoang, không một tiểu thương nào vào kinh doanh buôn bán, nhiều hạng mục đã và đang xuống cấp trầm trọng.
Chợ Đồng Tâm nằm cách Quốc lộ 14 khoảng 80m, được đầu tư xây dựng từ năm 2005, với diện tích khoảng 1,2ha, kinh phí 3,45 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình 135.
Công trình được thiết kế, gồm nhà lồng được xây dựng khá kiến cố, cột, kèo, xà gồ bằng sắt, tường xây gạch, tô trát bằng vữa ximăng, mái lợp tôn; nền có kết cầu bằng bêtông và các hạng mục công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, đài nước, bãi để xe... với diện tích khoảng 1.200m2.
Tuy nhiên, từ ngày đưa vào sử dụng đến nay, chợ Đồng Tâm gần như chỉ nằm “đắp chiếu” vì không có tiểu thương. Hiện, khu vực cổng chợ chỉ có một số hộ dân buôn bán rau, củ, quả...
Theo chị Nguyễn Thị Liên (tiểu thương bán phía trước chợ Đồng Tâm, huyện Đồng Phú), trước đây, khi chợ Đồng Tâm mới đưa vào sử dụng, tiểu thương cũng có vào tham gia “họp chợ.” Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn, mọi người đều bỏ ra ngoài kinh doanh. Từ đó tới nay, chợ bỏ hoang, các công trình trong chợ cũng bị xuống cấp, rất lãng phí.
Cũng theo chị Liên, lý do tiểu thương bỏ ra ngoài vì kinh doanh trong chợ không có ai vào mua. Người dân địa phương chỉ mua phía ngoài đường hoặc trước cổng chợ chứ nhất định không chịu vào trong mua hàng. Chính vì vậy, các tiểu thương cũng lần lượt kéo nhau ra ngoài.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa (một tiểu thương có nhà ngay sát chợ Đồng Tâm), nguyên nhân dẫn tới việc chợ xây mới khang trang nhưng lại không có tiểu thương là do chợ nằm cách xa mặt đường, thiết kế không hợp lý, vị trí không phù hợp vì dân cư ở đây thưa thớt, sức mua yếu, dẫn đến hàng hóa ế ẩm.
“Điểm bất hợp lý nhất là bậc thềm lên trên chợ xây quá cao, như đánh đố cả tiểu thương và người dân. Muốn vào chợ phải bước lên tận 10 bậc thềm, người trẻ tuổi đi còn thấy mệt mỏi huống gì những người lớn tuổi. “Lết” lên hết số bậc là hết hơi còn mua bán gì được nữa,” bà Hoa nói.
Theo quan sát của phóng viên, chợ Đồng Tâm đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều mảng tường bị bong tróc, nứt nẻ, lòi cả lõi thép ra ngoài. Hệ thống mái che bị gỉ sét, nền nhà bị bong tróc, các cửa cuốn bị hư hỏng gần hết, hệ thống bóng đèn bị kẻ gian lấy hết. Xung quanh chợ cỏ mọc um tùm.
Một hộ dân sinh sống gần chợ cho biết, chợ Đồng Tâm bỏ hoang cả mấy chục năm nay không có tiểu thương. Lâu nay, người dân ở đây tận dụng nhà lồng của chợ để tổ chức tiệc.
Theo ông Phạm Xuân Thạch, Phó Phòng Kinh tế-Hạ Tầng huyện Đồng Phú, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chợ Đồng Tâm hoạt động không hiệu quả là do khu vực đặt chợ xa trung tâm, dân cư sinh sống thưa thớt. Cả xã Đồng Tâm chỉ có 2.047 hộ, với trên 7.800 nhân khẩu. Trong khi đó, người dân ở đây chủ yếu hoạt động sản xuất nông nghiệp, nên thường tự túc chăn nuôi gà, vịt, heo; tự trồng các loại rau, củ, quả để phục vụ cho gia đình.
“Có chăng người dân đến chợ chỉ để mua mắm, muối, những mặt hàng không thể tự sản xuất được, thành ra sức mua hạn chế, nhu cầu trao đổi hàng hóa thiết yếu của người dân ở khu vực này rất thấp,” ông Thạch cho biết.
Một nguyên nhân nữa khiến chợ Đồng Tâm bị “chết yểu” ngay từ khi mới ra đời, theo Phó Phòng Kinh tế-Hạ Tầng huyện Đồng Phú, là do chợ thiết kế không phù hợp. Chợ xây dựng xa trục đường, nhà lồng xây dựng quá cao, người dân, tiểu thương muốn mua bán, trao đổi hàng hóa phải bước lên nhiều bậc mới vào được, rất bất tiện.
Thời gian tới, Phòng đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện xem xét đưa chợ vào Kế hoạch tổ chức đấu giá theo hình thức xã hội hóa./.