Duy trì mức sinh thay thế là chính sách quan trọng trong dự án Luật Dân số
Bộ Y tế đang trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025. Trong đó, nội dung duy trì mức sinh thay thế là chính sách quan trọng trong dự án Luật.
Vào năm 2023, dân số Việt Nam vượt mốc 100 triệu và là quốc gia thứ 15 trên thế giới có dân số hơn 100 triệu người. Trong những năm qua công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đồng thời mọi chính sách dân số ở nước ta đều đặt các quyền cơ bản của con người vào vị trí trung tâm.
Bộ Y tế đang trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025. Trong đó, nội dung duy trì mức sinh thay thế là chính sách quan trọng trong Dự án Luật Dân số.
Mức sinh ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững
Cách đây 7 năm, Việt Nam đã chuyển từ chính sách “kế hoạch hóa gia đình" sang “dân số và phát triển,” tức đầu tư cho dân số là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Các nhà nhân khẩu học nhận định, mức sinh là một trong những chỉ báo nhân khẩu học quan trọng không chỉ góp phần quyết định quy mô và cơ cấu dân số mà còn phản ánh mức độ phát triển kinh tế xã hội của quốc gia đó. Mức sinh cao hay thấp đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển bền vững.
Mức sinh cao dẫn đến quá tải dân số, trong khi mức sinh thấp dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động và già hóa dân số quá nhanh. Hệ lụy sẽ càng nghiêm trọng nếu xảy ra ở các quốc gia có mức độ phát triển kinh tế xã hội còn thấp, năng xuất lao động chưa cao.
Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và đã rất thành công trong việc duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trong suốt thời gian qua. Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng tích cực. Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số được phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh. Cụ thể là việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển; theo vùng kinh tế-xã hội. Hiện có 2/6 vùng là Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, có 27/63 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số là 53.873.500 người, chiếm 53,7% dân số cả nước, cho thấy xu hướng tăng các tỉnh có mức sinh thấp và quy mô dân số chiếm tỷ trọng lớn hơn, hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
Tập trung mọi nguồn lực xây dựng Dự thảo Luật Dân số
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay để từng bước tìm ra các giải pháp quyết liệt cho năm 2025 và những năm tiếp theo nhằm đạt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được Chính phủ giao, đặc biệt là về những vấn đề mới, những vấn đề mang tính bước ngoặt của công tác dân số Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Cục Dân số đang tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành dự thảo Luật Dân số để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025) nhằm đưa Nghị quyết 21-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống.
Ông Lê Thanh Dũng cho hay Bộ Y tế đang trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025. Việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số hiện nay là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới.
Một trong những chính sách cơ bản của Luật Dân số là “Duy trì mức sinh thay thế” với mục tiêu chính sách bao gồm: duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trong phạm vi cả nước, nhằm ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI; khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng; quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo đảm thực hiện quyền con người trong thực hiện chính sách dân số.
Dự thảo Luật Dân số quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo đảm quyền con người trong thực hiện chính sách dân số; góp phần khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng, tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng, làm chậm quá trình già hoá dân số; gắn với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển đất nước bền vững.
Theo Cục Dân số, tại Việt Nam, các nghiên cứu, điều tra trong nước cho thấy, tuổi kết hôn tăng, giảm tỷ lệ kết hôn. Điều này cho thấy xu hướng kết hôn muộn, không muốn kết hôn, không muốn sinh con, sinh muộn, sinh ít, sinh thưa ngày càng cao và có xu hướng lan rộng.
Nếu mức sinh tiếp tục giảm, số người được sinh ra ngày càng ít đi thì tương lai lực lượng dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh dẫn đến tỷ trọng dân số già sẽ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng dân số và Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già. Tại Việt Nam, tỷ lệ giảm sinh chưa đến mức báo động, nhưng nếu không can thiệp ngay, tỷ lệ giảm sinh sẽ ngày càng mạnh, sẽ đến lúc báo động.
Vì vậy các chính sách, chiến lược cơ bản để duy trì vững chắc mức sinh thay thế ở Việt Nam là đưa mức sinh các nhóm dân số (hay tỉnh/thành) tiệm cận mức thay thế, đưa quy mô gia đình 2 con trở thành chuẩn mực phổ biến toàn xã hội, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa để người dân hiện thực hóa mong muốn có đủ 2 con.
Để làm được điều này, trong Dự thảo Luật Dân số nhấn mạnh đến các biện pháp thực hiện điều chỉnh mức sinh như các đơn vị có liên quan cần đẩy mạnh truyền thông vận động về quy mô gia đình 2 con đến mọi địa bàn và nhóm xã hội, cả ở nơi đang có mức sinh cao, mức sinh thấp hay mức sinh thay thế. Mọi công dân đều nên hiểu rõ chính sách sinh đẻ của nhà nước với khẩu hiệu "mỗi gia đình nên có 2 con". Công tác truyền thông, giáo dục cũng cần chú trọng củng cố và phát huy những giá trị gia đình phù hợp với xã hội hiện đại.
Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng giảm tử vong trẻ em, nâng cao bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng nhu cầu tránh thai không được đáp ứng cũng như có thai và sinh con ngoài ý muốn, nhất là ở những nơi có mức sinh còn cao; tạo môi trường thân thiện và thuận lợi cho kết hôn, sinh đẻ và nuôi dạy con cái phù hợp với xã hội hiện đại, nhất là ở những nơi có mức sinh thấp.
Ở những nơi có mức sinh thấp, các chính sách phúc lợi xã hội hỗ trợ chỉ một phần chi phí cho người sinh đẻ và nuôi con nhỏ mang tính khuyến khích cũng sẽ có hiệu quả nhất định khi mà đa số người dân vẫn muốn có 2 con./.