Bình Dương: Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển trong năm 2024

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu 3 khâu đột phá chiến lược phát triển KT-XH phải được triển khai quyết liệt, có chuyển biến thực sự trong quý 2 và những tháng tiếp theo của năm 2024.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Báo Bình Dương)

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 33-Khóa XI (mở rộng), ngày 27/3, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo các ngành, cấp tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2024; trong đó chú ý phân công công việc rõ người, rõ việc, rõ thời gian, để tăng tốc, bứt phá, vững vàng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nêu rõ 3 đột phá chiến lược gồm: Về thể chế, chính sách, nhất là các nhóm chính sách tác động vào kinh tế như chính sách di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp từ phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc của tỉnh, đồng thời xây dựng tiêu chí phát triển công nghiệp sinh thái, công nghệ cao; về hạ tầng, đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông liên vùng, nội vùng và hạ tầng giáo dục, y tế, khoa học-công nghệ; về nguồn nhân lực, có chính sách thu hút nguồn nhân lực, xã hội hóa, tăng cường hợp tác ba nhà trong liên kết đào tạo nguồn nhân lực.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu 3 khâu đột phá này phải được triển khai quyết liệt, có sự chuyển biến thực sự trong quý 2 và những tháng tiếp theo của năm 2024.

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Báo Bình Dương)

Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu các ngành tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm: Vành đai 3; Vành đai 4; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (quyết tâm hoàn thành trong năm 2024); nghiên cứu phương án giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm…

Song song đó, các đơn vị cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tập trung cho hộ nghèo, người yếu thế và công nhân lao động.

Theo đánh giá tại Hội nghị, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, tác động tiêu cực trực tiếp đến tăng trưởng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, phá sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, việc làm, thu nhập của người lao động, nhưng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Nhân dân tỉnh, cùng sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, các nhiệm vụ đề ra trong quý 1 đã thực hiện đạt mức cao nhất.

Nổi bật là chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,87% so với cùng kỳ 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 81.177 tỷ đồng, tăng 12,52%.

Kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 8 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 5,4 tỷ USD, tăng 6,3%. Ước thu ngân sách 18.825 tỷ đồng, đạt 29% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và 26% dự toán Hội đồng Nhân dân tỉnh giao.

Phối cảnh thiết kế nút giao thông Tân Vạn thuộc đường vành đai 3 qua tỉnh Bình Dương thuộc dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng các giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững phải ưu tiên chú trọng cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) và thành phố thông minh; bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo tiến độ Đề án camera giám sát an ninh giao thông.

Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tăng cường phối hợp, xử lý công việc rõ người, rõ việc, rõ thời gian, tăng cường thanh tra công vụ.

Các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục thực hiện các hoạt động, phong trào, hướng mạnh về cơ sở. Từng cấp, từng ngành phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nắm chắc tình hình, không buông lỏng lãnh đạo quản lý.../.